Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry thăm Trung Quốc từ ngày 16 đến 19-7 để nối lại đàm phán khí hậu sau thời gian đình trệ. Chuyến đi được xem là phép thử cho khả năng hai nước có lượng phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới gạt bỏ bất đồng để phối hợp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh sóng nhiệt hoành hành khắp thế giới, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry (bên trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) tháng 5-2022. Ảnh: AP |
Chuyến thăm của ông Kerry là sự tiếp nối được chờ đợi hàn gắn quan hệ song phương sau khi hai quan chức chủ chốt trong Chính phủ Mỹ là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lần lượt đến Bắc Kinh để “khai thông” những bế tắc về tài chính-kinh tế.
Đàm phán sâu rộng
Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Kerry và quan chức Trung Quốc tập trung đàm phán sâu rộng về giảm phát thải khí methane, giảm sử dụng than đá, giảm thiểu tình trạng phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. “Chúng tôi hy vọng bắt đầu triển khai một số bước đi lớn để gửi tín hiệu cho thế giới về mục đích quan trọng của hai nước nhằm giải quyết thách thức chung đối với toàn nhân loại do chính con người gây ra”, ông Kerry nói.
Những đợt nắng nóng không ngớt nêu bật tính cấp bách của việc Mỹ và Trung Quốc nối lại hợp tác về khí hậu bởi điều này sẽ tác động to lớn việc liệu thế giới có thể ngăn chặn được kịch bản tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu hay không. CNN dẫn lời ông Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao tại Greenpeace China, cho biết: “Biến đổi khí hậu vẫn là nền tảng cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này. Bất kể sự khác biệt về chính trị, tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu giờ đây trở thành trải nghiệm chung của cả hai nước. Đó không còn là tình huống giả định nữa, buộc hai bên phải tìm tiếng nói chung để cùng giải quyết”. Do đó, cùng chống biến đổi khí hậu cũng là cách để cả Trung Quốc lẫn Mỹ tiếp tục đối thoại mặc dù hai bên có rất nhiều vấn đề cực kỳ phức tạp rất khó đề cập hoặc không được thảo luận sâu rộng.
Các chuyên gia nhận định, chuyến đi lần này của ông Kerry có thể không mang đến kết quả đột phá tức thì nhưng có thể mở đường cho những tuyên bố hoặc cam kết song phương sau này, trong đó có thể nối lại hoạt động của nhóm công tác chung về hợp tác khí hậu và bảo đảm tính liên tục. Ngoài ra, chuyến thăm được kỳ vọng thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn, góp phần thành công của hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11-2023.
Kêu gọi lộ trình loại bỏ than đá
Theo Bloomberg, ông Kerry sẽ tranh thủ hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá, một trong những vấn đề mà cho đến nay nước này vẫn chưa được thực hiện theo thỏa thuận chung năm 2021 với Mỹ. Trung Quốc đốt nhiều than hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Năm 2022, nước này phê duyệt nhiều nhà máy điện than mới hơn bất kỳ lúc nào trong 7 năm qua. “Điều này quan trọng vì than đá là nguồn phát thải khổng lồ và nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này, kế hoạch tham vọng của họ đối với xe điện sẽ không có ý nghĩa bởi vì những chiếc xe này vẫn sử dụng điện được sản xuất từ than.”, các chuyên gia Đại học California (Mỹ) cho biết.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc phải vạch lộ trình loại bỏ dần năng lượng than, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển dự án năng lượng sạch. Theo Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu phi lợi nhuận, công suất năng lượng mặt trời của Trung Quốc hiện lớn hơn các nơi còn lại của thế giới cộng lại và công suất gió của nước này cũng gần bằng tổng công suất của 7 quốc gia hàng đầu khác.
Thực tế, sẽ không thể có lối thoát khả dĩ nào cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu nếu hai nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới không hành động cụ thể, tích cực để chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường khí hậu toàn cầu. Tháng 10-2021, sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Washington tạo cú hích để đạt thỏa thuận lịch sử khi tất cả 197 quốc gia COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow ở Anh.
Quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung không phải là trở ngại không thể vượt qua được trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Trong cuộc cạnh tranh dai dẳng, cả hai đều muốn chứng tỏ là cường quốc có trách nhiệm với thế giới, và đôi khi lại đua nhau hành động khi mỗi bên muốn mình trở thành tác nhân thúc đẩy tiến bộ. Có điều dư luận quốc tế hiện rất quan tâm là nếu như không có thỏa thuận rõ ràng nào giữa hai nước thông qua chuyến thăm của ông Kerry, hoặc chí ít trước thềm COP28, thì có nguy cơ các quốc gia khác cũng sẽ lưỡng lự hành động hơn.
TUYẾT MINH