Những biến chuyển trước thềm bầu cử Thủ tướng Thái Lan

.

Ngày 13-7, cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Quốc hội Thái Lan để chọn thủ tướng mới và ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo vẫn còn là “ẩn số” khi lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat, ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng Thái Lan, gặp rắc rối lớn trước “giờ G”. Trong khi đó, đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha tuyên bố rút khỏi chính trường sau 9 năm lãnh đạo đất nước.

Theo Reuters, sau chiến thắng bất ngờ của MFP trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Pita trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua để trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ngày 12-7 đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita vì cho rằng ông vi phạm quy định đối với các ứng cử viên tham gia tranh cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông trong ngày đăng ký bầu cử. Theo quy định, ngay cả khi bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, ông Pita vẫn có thể tranh cử thủ tướng, song sự việc này sẽ khiến ông gặp nhiều khó khăn. Ông Pita hiện vẫn còn thiếu 64 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng của Quốc hội. Còn nếu bị xác định phạm luật, ông Pita có thể bị cấm hoạt động chính trị và đối mặt với án tù đến 10 năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut tuyên bố muốn từ bỏ chính trường và từ chức thành viên của đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) sau khi đảng này tuyên bố không đề cử ông ra tranh cử thủ tướng dù ông là ứng cử viên thủ tướng thứ nhất của đảng này. Trong 9 năm qua, ông chèo lái Thái Lan vượt qua Covid-19 và khởi xướng nhiều dự án phát triển, đặc biệt mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG).

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.