Ô-tô, hàng điện tử Trung Quốc đổ xô vào Nga

.

Sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đa phần từ các nước phương Tây, lần lượt rời thị trường Nga. Thực tế này buộc Moscow chuyển hướng thương mại sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Tranh thủ thời cơ, các nhà sản xuất Trung Quốc nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga để lấp đầy khoảng trống này.

Cửa hàng ô-tô của nhà sản xuất Geely (Trung Quốc) tại Nga. Ảnh: Reuters
Cửa hàng ô-tô của nhà sản xuất Geely (Trung Quốc) tại Nga. Ảnh: Reuters

Giờ đây, ô-tô, ti-vi và điện thoại Trung Quốc đang thay thế các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Đức và Hàn Quốc tại Nga. Theo Reuters, Chính phủ Nga ban hành luật về “nhập khẩu song song” trong nước nhằm bình ổn giá cả trong bối cảnh Moscow đang phải ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các công ty Nga được phép nhập khẩu danh mục hàng hóa hiện hành mà không cần được sự đồng ý của chủ thể có quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, Trung Quốc trở thành đối tác thiết yếu của Nga và giao dịch đồng Nhân dân tệ trên sàn giao dịch Moscow không ngừng tăng lên, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập sâu rộng của hàng Trung Quốc tại thị trường Nga, sau làn sóng tháo chạy của các doanh nghiệp phương Tây. Theo nhà phân tích Boris Kopeikin của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Moscow, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc tìm cách nhập khẩu vào Nga mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Theo Nikken Asia, tại Nga, doanh số 5 tháng đầu năm 2023 của hai nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc là Great Wall và Geely lần lượt chiếm vị trí thứ hai và thứ ba về doanh số bán hàng trên thị trường Nga, theo dữ liệu từ Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu. AvtoVAZ, nhà sản xuất ô-tô hàng đầu của Nga vẫn giữ vị trí dẫn đầu. Cụ thể, doanh số bán hàng của Great Wall và Geely tăng hơn gấp ba lần so với năm trước đó, qua đó thay thế thị phần Kia và Hyundai Motor của Hàn Quốc vốn đứng thứ hai và thứ ba trong năm 2021, thời điểm trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ. Giờ đây, Kia rơi xuống vị trí thứ bảy trong khi Hyundai xếp thứ mười một từ tháng 1 đến tháng 5-2023, chủ yếu do tập đoàn Hyundai Motor, công ty mẹ của Kia, dừng sản xuất tại Nga. Theo đó, tháng 3-2022, Hyundai ngừng hoạt động nhà máy St. Petersburg, nơi cũng sản xuất các loại xe mang thương hiệu Kia và đang tính toán khả năng bán nhà máy này.

Ngoài xe hơi, thị trường smartphone ở Nga cũng thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc sau khi Apple và Samsung dừng xuất khẩu. Dù hàng hóa của hai hãng này vẫn có thể mua được trên các kênh phi chính thức, nhưng giá đắt hơn và không được bảo hành nên không mấy người lựa chọn. Theo dữ liệu từ nhà bán lẻ điện tử M.Video-Eldorado Group (Nga), các nhà sản xuất Trung Quốc như Haier và Hisense cũng đang thay thế các đối thủ đáng gờm đến từ Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics. Trong động thái “nối gót” các doanh nghiệp Nhật Bản và phương Tây, LG và Samsung ngừng cung cấp hàng hóa cho Nga, với lý do lo ngại về nhân đạo và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Thực tế, hàng hóa Hàn Quốc đã “chảy” vào Nga thông qua các nước thứ ba. Nhưng hàng nhập khẩu thông qua các tuyến đường này chắc chắn phải chịu thêm chi phí vận chuyển và khả năng giao hàng chậm trễ. Tháng 3-2023, giá trung bình của ti-vi do Hàn Quốc sản xuất tăng khoảng 20%, theo báo cáo của truyền thông Nga. Do đó, người tiêu dùng Nga quay sang sử dụng điện thoại Trung Quốc với thiết kế đa dạng và giá cả phải chăng.

Trong nửa đầu năm nay, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc chiếm hơn 70% thị trường Nga, theo M.Video. Nhiều người tiêu dùng Nga đang chọn các sản phẩm của Trung Quốc bởi sự tiện lợi. Ông Naoya Hase, người đứng đầu văn phòng Moscow của Hiệp hội Thương mại Nhật Bản với Nga & NIS, cho biết: “Đây là tình huống mà các nhà sản xuất Trung Quốc không cần phải làm bất cứ điều gì nhưng giá trị cổ phiếu của họ vẫn tăng lên mỗi ngày”.

Theo giới quan sát, hợp tác Nga-Trung Quốc đang phát triển theo mọi hướng. Moscow công khai “đặt cược” mối quan hệ kinh tế, thương mại vào Trung Quốc trong cuộc đối đầu dai dẳng với phương Tây khi tìm thấy điểm tương đồng về lợi ích và giá trị với Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD năm 2022, tăng 39% trong quý 1-2023 so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ Trung Quốc mà một số quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Ấn Độ và các quốc gia Trung Á đang trở thành “trung tâm giao dịch song song” cung cấp các hàng hóa cho Nga.

“Nhập khẩu song song” còn gọi là thị trường nhập khẩu xám (gray market import), là hiện tượng những hàng hóa được sản xuất dưới sự bảo hộ đầy đủ của các luật thương hiệu, bằng sáng chế, hoặc bản quyền, được đưa vào lưu thông trong một thị trường, và sau đó được nhập khẩu vào thị trường thứ hai mà không cần sự cho phép của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ trong địa bàn đó. Hoạt động nhập khẩu này được miễn truy cứu trách nhiệm về dân sự, hành chính và hình sự. Các chủ sở hữu này thường là một đại lý địa phương được các nhà sản xuất cấp phép phân phối cho sản phẩm của mình.

THƯ LÊ 

;
;
.
.
.
.
.