Thế giới tuần qua: Bạo loạn nước Pháp chấm dứt; Kỷ lục ngày nóng nhất được xác lập

.

Pháp trải qua một tuần bạo loạn rúng động và thế giới ghi nhận những ngày nóng nhất trong lịch sử là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Cảnh sát tăng cường an ninh sau các vụ bạo loạn tại Paris, Pháp, ngày 2/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh sát tăng cường an ninh sau các vụ bạo loạn tại Paris, Pháp, ngày 2-7-2023. Ảnh: THX/TTXVN

Pháp tuyên bố chấm dứt bạo loạn

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 5-7 tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt tại “đất nước hình lục lăng” song các lực lượng chức năng vẫn đang duy trì mức độ cảnh giác cao.

Trước đó, biểu tình bạo loạn đã bùng phát và kéo dài ở Pháp suốt một tuần sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi vào ngày 27-6 được xác định tên Nahel M., vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông. Biểu tình đã khiến Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc.

Kể từ khi bạo loạn nổ ra, nhiều tòa nhà và phương tiện đã bị đốt cháy, trong khi hàng loạt cửa hàng bị cướp phá. Tình hình cũng khiến Tổng thống Emmanuel Macron rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về khả năng lãnh đạo kể từ các cuộc biểu tình Áo khoác vàng hồi năm 2018.

Vụ việc đã thổi bùng căng thẳng âm ỉ lâu nay giữa lực lượng cảnh sát và thanh niên ở những khu dân cư khó khăn. Đặc biệt sự việc đã tái hiện lại những ký ức năm 2005, khi cái chết của hai thiếu niên chạy trốn cảnh sát đã gây ra nhiều tuần biểu tình bạo lực, với hàng trăm thanh niên từ các vùng ngoại ô nghèo của Paris phóng hỏa ô tô và các tòa nhà.

Tổng thống Macron cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm TikTok, Snapchat và những nền tảng khác, đã góp phần thúc đẩy các cuộc bạo loạn. Cũng theo Tổng thống Macron, các trò chơi điện tử bạo lực đã góp phần kích động các vụ bạo loạn hiện nay. Theo tiết lộ của Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, tính đến ngày 3-7, hơn 3.300 người đã bị bắt giữ. Phần lớn trong số đó là trẻ vị thành niên, với độ tuổi trung bình là 17.

Thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng trong một tuần diễn ra bạo loạn được đánh giá là vượt qua kỷ lục 3 tuần bạo loạn năm 2005. Theo thống kê của Bộ Nội Vụ Pháp ngày 2-7, hơn 5.000 chiếc xe và 10.000 thùng rác bị đốt cháy, hơn 1.000 tòa nhà bị phóng hỏa, đập phá hoặc cướp phá, 250 vụ tấn công vào đồn cảnh sát hoặc hiến binh, với hơn 700 cảnh sát bị thương.

Ông Geoffroy Roux de Bézieux – Chủ tịch Phong trào Doanh nghiệp Pháp (Medef) trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Parisien – cho rằng còn quá sớm để đưa ra một con số định lượng chính xác về thiệt hại song tính đến nay, con số này sơ bộ đã lên tới hơn một tỷ euro, chưa tính thiệt hại đối với ngành du lịch. Các vụ bạo loạn đã làm hỏng hình ảnh của nước Pháp. Dữ liệu ban đầu cho thấy có hơn 200 cửa hàng bán lẻ đã bị cướp bóc, hơn 300 chi nhánh ngân hàng bị phá hủy và 250 ki-ốt bán hàng bên đường bị người biểu tình quá khích phá hoại.

Trái Đất trải qua những ngày nóng nhất từ trước đến nay

Trong bốn ngày liên tiếp, Trái Đất đã ghi nhận ngày nóng nhất trong bối cảnh các khu vực trên toàn thế giới phải hứng chịu cái nóng chết người.

Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 26/6/2023. THX/TTXVN
Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 26-6-2023. THX/TTXVN

Ngày 4-7, Trái Đất đã trải qua mức nhiệt độ cao nhất từng khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,18 độ C. Đến ngày hôm sau, kỷ lục lại một lần nữa được thiết lập khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục đạt 17,18 độ C. Theo trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ, kỷ lục này đã bị phá vỡ vào ngày 6-7 khi nhiệt độ toàn cầu ở mức 17,23 độ C.

Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên nhân dẫn tới việc sức nóng bao trùm phần lớn Trái Đất hiện nay là do hiện tượng El Niño kết hợp với khí thải nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Một số nhà khoa học đánh giá mặc dù các tập dữ liệu của cơ quan trên có từ giữa thế kỷ 20, nhưng gần như chắc chắn rằng nhiệt độ nóng nhất của hành tinh ghi nhận trong tuần này cũng là kỷ lục của một khoảng thời gian dài hơn nhiều, dựa trên những gì thấy được từ dữ liệu khí hậu trong nhiều thiên niên kỷ trích xuất từ lõi băng và rạn san hô.

Ông Robert Rohde - nhà vật lý kiêm nhà khoa học hàng đầu tại Berkeley Earth, một nhóm phân tích dữ liệu môi trường phi lợi nhuận, cảnh báo những điều kiện thời tiết này có thể đẩy nhiệt độ thậm chí còn cao hơn trong sáu tuần tới.

Nhà khoa học khí hậu Brian Brettschneider làm việc tại Anchorage, Alaska cho hay Trái Đất đã ghi nhận tháng 6 ấm nhất về nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt nước biển, nhưng tháng 7 và tháng 8 có thể còn nóng hơn nữa khi hiện tượng El Niño tiếp tục mạnh lên.

Tính đến thời điểm này của năm 2023, thế giới đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ gây hậu quả lớn. Giới chức Mexico công bố báo cáo cho thấy tính đến cuối tháng 6 nước này có 112 người tử vong kể từ tháng 3 vì nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao. Một đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã khiến 44 người thiệt mạng tại bang Bihar. Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt.

Diễn biến mới trong căng thẳng Israel-Palestine

Israel đã bắt đầu cuộc tấn công trên không và trên bộ lớn nhất ở Bờ Tây trong nhiều năm qua từ ngày 2-3-7, khiến ít nhất 8 người Palestine trong trại tị nạn Jenin thiệt mạng và làm bị thương hàng chục người khác. Chiến dịch mới nhất là sự leo thang đáng kể sau một cuộc đột kích ở Jenin 2 tuần trước đã cướp đi sinh mạng của 7 người Palestine.

tấn công mới nhất triển khai với ít nhất 10 cuộc không kích vào khu vực đông dân cư, nơi khoảng 14.000 người Palestine sinh sống trong chưa đầy nửa km2. Khoảng 150 xe bọc thép và 1.000 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, quân đội, tổng cục tình báo, cảnh sát và cảnh sát biên phòng đã tham gia chiến dịch.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 3-7 tuyên bố đình chỉ các hoạt động phối hợp an ninh với Israel, cắt đứt cả các mối quan hệ khác để phản đối cuộc đột kích quy mô lớn vào trại tị nạn Jenin ở phía Bờ Tây. Các nhà lãnh đạo Palestine cũng nhất trí tăng cường các hoạt động chống lại Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) và các cơ quan quốc tế, lên kế hoạch giảm thiểu liên lạc với Mỹ.

Phản ứng trước hành động của Israel, LHQ và nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích. LHQ kêu gọi Israel ngừng các kế hoạch và kiềm chế sử dụng bạo lực, cảnh báo bạo lực ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng "có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát". Đặc phái viên của LHQ Tor Wennesland cho biết ông đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine để tìm cách khôi phục hòa bình.

Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về các khu định cư và cuộc xung đột đang leo thang. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) "lên án mạnh mẽ" chiến dịch tấn công Jenin của Israel, kêu gọi "ngừng ngay lập tức các hoạt động leo thang và lặp đi lặp lại chống lại người dân Palestine". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra một tuyên bố “mạnh mẽ lên án” chiến dịch của Israel. Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva quan ngại sâu sắc về những bước leo thang gần đây của cuộc xung đột Israel-Palestine vì tình hình đang đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ thăm Trung Quốc

Ngày 6-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh hai nước đang có nhiều bất đồng về kinh tế. Bà là quan chức cấp cao thứ hai của Mỹ thăm Trung Quốc gần đây sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng trước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Bắc Kinh, ngày 7-7-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Bắc Kinh, ngày 7-7-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc gặp giữa nữ Bộ trưởng Tài chính Mỹ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh ngày 7-7, bà Yellen nhấn mạnh Mỹ chủ trương tìm kiếm sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh với một bộ quy tắc công bằng, có thể mang lại lợi ích cho cả hai nước. Bà hy vọng chuyến thăm sẽ thúc đẩy các kênh liên lạc thường xuyên hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều có nhiệm vụ “thể hiện vai trò tiên phong” trong đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Yellen cũng nhấn mạnh việc Washington hạn chế khả năng tiếp cận của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với công nghệ tiên tiến, cho rằng đây là điều quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, theo bà, hai nước không nên để các bất đồng dẫn tới những hiểu lầm có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế và tài chính song phương.

Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường bày tỏ lạc quan rằng quan hệ Trung - Mỹ sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Theo ông Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Yellen tới Trung Quốc là yếu tố “quan trọng” để đảm bảo cả hai nước đang tiếp tục đối thoại với nhau.

Những tháng gần đây, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thăng sau khi Washington hạn chế khả năng tiếp cận của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào công nghệ tiên tiến. Để đáp trả việc Mỹ đã đưa một số công ty của Trung Quốc vào "danh sách đen" ngăn cản họ tiếp cận với sản phẩm chip tiên tiến nhất, Bắc Kinh đã thông báo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với một số kim loại quan trọng trong việc sản xuất thiết bị bán dẫn vì lý do an ninh quốc gia.

Meta “hâm nóng” cuộc chiến mạng xã hội với Twitter

Trong nhiều năm qua, Facebook luôn tìm cách cạnh tranh với Twitter bằng nhiều cách, bao gồm sao chép các tính năng đặc trưng của Twitter như gắn thẻ bằng dấu # và gắn các chủ đề thịnh hành. Nhưng mới đây, công ty mẹ của Facebook có lẽ đã triển khai cú đánh mạnh nhất vào Twitter.

Ngày 5-7, Meta đã chính thức ra mắt một ứng dụng mới có tên là Threads, nhằm cung cấp không gian cho các cuộc trò chuyện trực tuyến theo thời gian thực, một chức năng từ lâu đã trở thành ưu điểm cốt lõi của Twitter.

Theo Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg, ứng dụng đã nhận được 30 triệu lượt đăng ký chỉ trong ngày đầu ra mắt.

Threads này có nhiều điểm tương đồng với Twitter, từ giao diện cho đến mô tả sản phẩm. Theo một bài đăng trên blog của Meta, Threads cho phép người dùng đăng tải các bài viết ngắn tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút. Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác.

Tuy Threads là một ứng dụng độc lập nhưng người dùng có thể đăng nhập sử dụng thông tin trên Instagram của họ và theo dõi cùng một tài khoản, theo đó có thể khiến việc truy cập Threads tiện lợi hơn rất nhiều. Việc liên kết giữa 2 ứng dụng cũng được đảm bảo về quyền riêng tư khi người dùng có thể tùy chọn việc công khai liên kết này.

Nhà phân tích tại Insider Intelligence, ông Jasmine Enberg cho biết thực tế, Meta chỉ cần thu hút 1/4 số người dùng Instagram đến Threads để cạnh tranh với Twitter về mặt quy mô.

Việc ra mắt Threads vào đúng thời điểm Twitter đang gặp phàn nàn từ phía người sử dụng khi mạng xã hội này thông báo áp đặt các giới hạn về số lượng tweet mà người dùng có thể đọc.

Về phần mình, Twitter doạ kiện ứng dụng “tân binh” đánh cắp bị mật thương mại. Một công ty luật ở Thung lũng Silicon đại diện cho tỷ phú Elon Musk ngày 5-7 đã gửi cho Meta thư cáo buộc ứng dụng này “chiếm đoạt có hệ thống, cố ý và bất hợp pháp” tài sản trí tuệ, dữ liệu và bí mật thương mại của Twitter. Luật sư Alex Spiro tại công ty Quinn Emanuel tuyên bố rằng Meta đã thuê hàng chục nhân viên cũ của Twitter – những người có quyền truy cập vào các bí mật thương mại của công ty – và sau đó đánh cắp dữ liệu để "bắt chước" phát triển Threads.

Người phát ngôn của tập đoàn Meta là Andy Stone đã bác bỏ cáo buộc của Twitter. Ông nói: “Không ai trong nhóm kỹ thuật Threads là cựu nhân viên Twitter”.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.