Thủ tướng Thái Lan tiếp tục là ẩn số

.

Ngày 13-7, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat, ứng viên duy nhất cho cương vị Thủ tướng Thái Lan, thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội khi không giành đủ số phiếu cần thiết. Cuộc bỏ phiếu được xem là bài kiểm tra quan trọng về tầm ảnh hưởng chính trị của vị chính khách trẻ tuổi này, đồng thời cũng là thước đo tín nhiệm đối với hàng loạt cải cách táo bạo của ông. 

Theo Reuters, ngày 13-7, 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ Thái Lan bỏ phiếu bầu tân thủ tướng. Ông Pita (42 tuổi) đang dẫn dắt liên minh 8 đảng đối lập, chiếm 313 ghế trong số 500 ghế tại Hạ viện, và cần giành được tối thiểu 376 phiếu ở lưỡng viện. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy, ông Pita chỉ giành được 324 phiếu thuận. Do đó, Quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu vòng thứ hai và thứ ba dự kiến lần lượt vào ngày 19-7 và 20-7. Ông Pita vẫn có thể tiếp tục tranh cử nếu lại được liên minh 8 đảng đề cử. Trong trường hợp lãnh đạo đảng MFP trải qua nhiều vòng bỏ phiếu vẫn không thể trở thành thủ tướng thì Pheu Thai, đảng lớn thứ hai trong liên minh 8 đảng, được dự đoán sẽ cử đại diện của đảng này làm ứng viên.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh ông Pita và đảng MFP gặp loạt gặp rắc rối lớn trước “giờ G”. Thậm chí Bloomberg nhận định, cuộc bỏ phiếu không phải là trở ngại duy nhất đối với nguyện vọng trở thành thủ tướng của ông Pita bởi ông vẫn có nguy cơ bị loại khỏi tư cách là nhà lập pháp và đảng của ông có nguy cơ tan rã vì nỗ lực sửa đổi Luật Khi quân (xúc phạm quốc vương) (Mục 112 của Bộ luật Hình sự). Ngày 12-7, Tòa Hiến pháp Thái Lan chấp nhận xử lý vụ kiện cáo buộc ông Pita có âm mưu lật đổ chế độ quân chủ. Đây cũng là một trong những lý do khiến ông không thể giành được sự ủng hộ của Thượng viện với 250 ghế do quân đội chỉ định.

Luật sư Theerayuth Suwankaesorn đệ đơn kiện ông Pita, cáo buộc việc ông và đảng MFP hứa hẹn sẽ sửa đổi Luật Khi quân đồng nghĩa với “cố gắng lật đổ chế độ quân chủ”; đồng thời mong muốn đảng này bị giải thể. Tòa cho đảng MFP và ông Pita 15 ngày để trả lời và biện hộ trước đơn kiện. Thách thức không nhỏ khác chính là việc Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita vì cho rằng ông vi phạm quy định đối với các ứng cử viên tham gia tranh cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông trong ngày đăng ký bầu cử.

Thất bại này của ông Pita càng cho thấy cương vị thủ tướng Thái Lan tiếp tục là “ẩn số”. Có thể nói, 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, hơn bao giờ hết, cử tri cũng như giới doanh nghiệp xứ Chùa Vàng kỳ vọng chính phủ mới nhanh chóng được thành lập để xử lý những vấn đề cấp bách, trước mắt là thông qua dự luật ngân sách tài khóa 2024 và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Một sự ổn định chính trị rõ ràng sẽ là chìa khóa giúp nước này có thể tập trung vào thiết lập và thực hiện các mục tiêu dài hạn để phát triển mạnh mẽ trở lại.

Hiện rất nhiều cử tri Thái Lan kỳ vọng ông Pita sẽ gặp may trong vòng bỏ phiếu lần hai. G.S Siripan Nogsuan Sawasdee từ Đại học Chulalongkorn (Bangkok) cho rằng, hiện khoảng 60-70% thế hệ trẻ thích đảng MFP bởi các chính sách khác biệt. Việc Pita tranh cử vị trí thủ tướng được coi là “cơn địa chấn” trên chính trường khi ông hướng tới thành lập “chính phủ tiến bộ, minh bạch với cử tri” với cam kết sửa đổi hiến pháp, khôi phục nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền, hạn chế độc quyền trong kinh doanh.

Cũng đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Padipat Sunthiphada cho rằng, ông Pita muốn thay đổi cấu trúc quản trị và cùng người dân viết lại lịch sử chính trị của đất nước. Điều khiến Pita trở thành một nhà lãnh đạo giỏi cũng bởi sự cởi mở để thỏa hiệp và khả năng kết nối với cả thế hệ trẻ và lớn tuổi. Nếu tranh cử thủ tướng thành công, ông Pita hứa tái thiết lập chính sách đối ngoại của Thái Lan khi nói rằng nước này sẽ không nằm dưới “cái ô” của Trung Quốc hay Mỹ và sẽ có khả năng tự quyết định vận mệnh của mình.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.