Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi để Thụy Điển gia nhập NATO

.

Ngày 10-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đồng ý xúc tiến việc phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này thực sự gây bất ngờ bởi Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nước thành viên NATO lâu nay chủ động xích lại gần Nga, qua đó càng cho thấy Ankara đang theo đuổi “trò chơi cân bằng” trong bối cảnh địa-chính trị phức tạp hiện nay. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước thềm thượng đỉnh NATO ở Lithuania ngày 10-7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước thềm thượng đỉnh NATO ở Lithuania ngày 10-7. Ảnh: Reuters

Động thái trên được các thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này hoan nghênh, đặc biệt đưa sức hút của hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra tại Vilnius (Lithuania) càng thêm “nóng”. Song, nhiều khả năng khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga bắt đầu lục đục.

Thụy Điển rộng đường vào NATO

Theo Reuters, những tưởng những rắc rối liên quan đến việc đốt kinh Koran ở Stockholm (Thụy Điển) mà Thổ Nhĩ Kỳ từng chỉ trích là hành động “bài Hồi giáo” sẽ tiếp tục ngáng đường vào NATO của Thụy Điển thì Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 10-7 vui mừng thông báo, Tổng thống Erdogan đã “bật đèn xanh” để Thụy Điển vô “mái nhà chung” NATO. “Tổng thống Erdogan đồng ý chuyển lên Quốc hội thư xin gia nhập của Thụy Điển sớm nhất có thể và làm việc chặt chẽ với quốc hội để đảm bảo quá trình phê chuẩn”, ông Stoltenberg nói ngày 10-7. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phê chuẩn vụ việc này trước cuối tuần tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh, đây là bước đi rất lớn mang tính bước ngoặt tiến tới việc phê chuẩn chính thức nước này gia nhập NATO. Tương tự, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng các đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức đều tỏ ra vui mừng. Về phần Hungary, thành viên NATO còn lại vẫn chưa phê chuẩn cho Thụy Điển, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã phát tín hiệu rằng ông sẽ “nối gót” nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ chờ động thái “có qua có lại” từ phương Tây

Theo giới quan sát, suy cho cùng, Thổ Nhĩ Kỳ thực ra muốn dùng lá phiếu thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO, cùng với những động thái “thân thiện” với Ukraine gần đây, nhằm tạo đòn bẩy cho các cuộc thương lượng với phương Tây về các kế hoạch mang lại lợi ích cho chính Ankara. Một số đối tác NATO tin rằng, Mỹ sẽ đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ mua 20 tỷ USD máy bay chiến đấu F-16 của Tập đoàn Lockheed Martin Corp (Mỹ) và gần 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của Ankara.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và điều ngạc nhiên ở chỗ món vũ khí này thực ra chỉ mang tính biểu tượng khi Ankara hầu như không sử dụng. Do đó, việc sở hữu F-16 giúp Ankara củng cố đáng kể sức mạnh quân sự. Trong diễn biến mới nhất, nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 10-7 cho biết ông đang đối thoại với chính quyền Tổng thống Biden về việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, còn một lý do quan trọng khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ có cái gật đầu cho Thụy Điển chính là thúc đẩy các đồng minh trong NATO loại bỏ những trở ngại đối với việc nước này gia nhập EU sau hơn nửa thế kỷ mỏi mòn chờ đợi. Thậm chí trước đó, ông Erdogan cũng không ngần ngại đề cập trực tiếp ước muốn này khi liên kết chuyện Thụy Điển vào NATO với chuyện Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. “Tôi đang kêu gọi những nước đang bắt Thổ Nhĩ Kỳ phải chờ ở cửa EU trong hơn 50 năm.

Trước tiên, hãy đến và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và rồi chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển, như chúng tôi đã làm với Phần Lan”. Bên cạnh những cam kết chống khủng bố, Stockholm cũng hứa sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các nỗ lực nhằm cải tổ Liên minh Hải quan và thiết lập cơ chế đi lại miễn thị thực.

Tuy nhiên TASS (Nga) dẫn lời Alina Vernigora, nhà nghiên cứu cấp cơ sở tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga giải thích, gia nhập EU và trở thành thành viên NATO là hai thủ tục riêng biệt và không liên quan đến nhau. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ được phép gia nhập EU để đổi lấy tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO không nhất thiết phải được coi là tối hậu thư cần có và cũng không khả thi về mặt kỹ thuật.

Thay vào đó, lập trường của ông Erdogan thực ra là muốn nhận thêm nhiều hỗ trợ tài chính và kinh tế khác từ EU, trong đó Đức là nhà nhập khẩu hàng hóa chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ông Viktor Bondarev, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga cho rằng, loạt động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này đang dần chuyển từ một quốc gia trung lập thành nước không thân thiện.

NATO đạt thỏa thuận kế hoạch phòng thủ
Ngày 10-7, vượt “rào cản” của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước đồng minh trong NATO đạt thỏa thuận về các kế hoạch phòng thủ nêu chi tiết cách thức liên minh sẽ đáp trả trước một cuộc tấn công từ bên ngoài khối. Kế hoạch cũng chỉ cách lựa chọn quân sự cần triển khai, bao gồm các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, cũng như các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và lực lượng không gian. NATO trong nhiều thập niên thấy không cần các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn nhưng xung đột Ukraine thúc đẩy liên minh này chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước nguy cơ xung đột xảy ra ở lãnh thổ NATO.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.