Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ

.

Tập đoàn Evergrande, vốn từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc, vừa nộp đơn xin phá sản tại Mỹ. Vụ việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính Trung Quốc, thậm chí cả nền kinh tế nước này.

Theo CNN, ngày 17-8 (giờ địa phương), Evergrande nộp đơn lên tòa án Manhattan (New York) xin được bảo trợ phá sản theo Chương 15 luật phá sản tại quốc gia này, áp dụng với các công ty nước ngoài. Động thái này nhằm bảo vệ tài sản của tập đoàn tại Mỹ trong khi tìm kiếm thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ.

Evergrande từng vỡ nợ năm 2021, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà chưa hoàn thành trên khắp nước này. Tập đoàn bất động sản này đã chật vật trong việc trả các khoản vay lên đến 2.437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) tính đến cuối năm ngoái, chiếm khoảng 2% GDP Trung Quốc. Giữa tháng trước, Evergrande công bố khoản lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022. Evergrande báo cáo khoản lỗ lớn trên một phần nhiều là bởi khoản chi cho các cổ đông năm 2022 lên tới gần 106 tỷ Nhân dân tệ, năm trước đó cũng thua lỗ thêm 476 tỷ Nhân dân tệ.

Đầu năm nay, Evergrande công bố kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ ở mức lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.  Evergrande đã đạt "các thỏa thuận ràng buộc" với các trái chủ quốc tế về các điều khoản chính của kế hoạch. "Việc tái cấu trúc được đề xuất sẽ giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty để tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề về nợ", Evergrande cho biết. Theo kế hoạch, Evergrande sẽ tập trung quay trở lại hoạt động bình thường trong 3 năm tới nhưng sẽ cần thêm khoản tài chính từ 36,4 đến 43,7 tỷ USD.

Đầu tuần này, công ty xe điện trực thuộc Evergrande đã tìm thấy chút hy vọng khi công ty ô-tô NWTN có trụ sở tại Dubai công bố khoản đầu tư chiến lược trị giá 500 triệu USD vào tập đoàn xe điện của Evergrande để đổi lấy khoảng 28% cổ phần. Điều này giúp Evergrande có thêm nguồn vốn mới sẽ giúp tăng giá trị của các trái phiếu này trong kế hoạch tái cấu trúc nợ, cũng như đưa hoạt động sản xuất xe điện trở lại bình thường.

Thông tin Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc từ lâu đã được coi là động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm tới 30% GDP của nước này. Vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande đã tạo ra "cơn địa chấn" đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư lẫn và hệ thống tài chính của Trung Quốc. Vụ vỡ nợ diễn ra sau khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc cho vay quá mức của các nhà phát triển nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng vọt.

Cùng với sự sụp đổ của Evergrande, một số nhà phát triển bất động sản lớn khác ở Trung Quốc, gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Mới đây, Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn của Trung Quốc, cũng khiến giới đầu tư lo ngại khi công ty buộc phải lỡ hạn thanh toán lãi trái phiếu. Nếu Country Garden vỡ nợ, điều này có thể kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại rằng những rắc rối của các tập đoàn bất động sản sẽ lan sang các thị trường tài chính rộng lớn hơn, cản trở mọi khả năng phục hồi của ngành bất động sản và lan rộng thiệt hại ra toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng xoay sở để tránh xảy ra tình huống không mong đợi này.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.