G20 chi hơn 1.000 tỷ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch

.

Một số tiền kỷ lục vẫn đang được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chi cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch dù đã cam kết cắt giảm chúng, qua đó cho thấy sự phớt lờ những hiệp định về chống biến đổi khí hậu mà rất khó mới có thể đạt được.

Theo Guardian, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (Anh) cách đây 2 năm, các nhà lãnh đạo G20 cam kết loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả”. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD), lượng tiền công quỹ đổ vào than, dầu và khí đốt của các nước G20 đạt mức kỷ lục 1.400 tỷ USD năm 2022. Theo báo cáo, G20 trợ cấp 1.000 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch, 322 tỷ USD đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước và 50 tỷ USD cho các khoản vay từ các tổ chức tài chính công. Đáng chú ý, số tiền này cao hơn gấp đôi so với năm 2019.

Tara Laan, cộng tác viên cấp cao của IISD và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Những con số này là lời nhắc nhở rõ ràng về số tiền khổng lồ mà các chính phủ G20 tiếp tục đổ vào nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tác động ngày càng tàn khốc của biến đổi khí hậu”. Báo cáo của IISD được đưa ra trước thềm cuộc họp của các nước G20 tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9-2023, có thể tạo tiền đề cho COP28, diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào tháng 11-2023.

Kể từ năm 2009, các nhà lãnh đạo G20 đồng ý loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả “trong trung hạn”. Tại COP26 vào năm 2021, các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý đẩy nhanh những nỗ lực này. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt tăng mạnh do Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng khiến chính phủ của nhiều nước phải can thiệp vào chi phí nhiên liệu.

Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng đẩy giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao, khiến than đá trở thành lựa chọn phải chăng ở phần lớn châu Âu, kể cả các thị trường khó tính ở Tây Âu và Bắc Mỹ vốn có chính sách rõ ràng để loại bỏ than đá. Các mỏ than và nhà máy điện đã đóng cửa 10 năm trước bắt đầu được sửa chữa lại ở Đức. Trong khi đó, Áo, Ba Lan, Hà Lan và Hy Lạp cũng tái khởi động các nhà máy than.

Các nhà khoa học từ lâu cảnh báo về mối nguy hiểm của nhiên liệu hóa thạch. Gần đây, các chuyên gia năng lượng và kinh tế cùng lên tiếng kêu gọi ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Tháng 2-2023, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy quy mô trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 là một “dấu hiệu đáng lo ngại cho quá trình chuyển đổi năng lượng”. Vài tháng sau, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng “bằng cách trợ giá nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ không chỉ khuyến khích việc sử dụng quá mức mà còn duy trì các công nghệ gây ô nhiễm và tạo ra sự bất bình đẳng”.

Ông Richard Damania, nhà kinh tế trưởng của nhóm phát triển bền vững tại Ngân hàng Thế giới cho rằng, các nước có thể sử dụng các khoản trợ cấp đó để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của hành tinh. “Các chính phủ nên ưu tiên cải cách nhằm tạo ra sự đồng thuận của công chúng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và cho thấy cách chi tiền để cải thiện cuộc sống của người dân một cách có ý nghĩa”, ông Richard cho biết.

IISD cho rằng, bằng cách đặt ra mức thuế carbon cao hơn từ 25-75 USD cho mỗi tấn khí nhà kính, các chính phủ G20 có thể có thêm 1.000 tỷ USD mỗi năm. Tác giả của báo cáo cũng khuyến nghị bù đắp chi phí cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do nhiên liệu hóa thạch gây ra; đồng thời kêu gọi G20 chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ở các nước giàu vào năm 2025 và các nước còn lại vào năm 2030.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.