Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại Trại David (Mỹ) cuối tuần qua đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo của ba nước gặp nhau tại hội nghị cấp cao độc lập, không phải bên lề sự kiện quốc tế như trước. Sự kiện đặc biệt đặt nền móng lâu dài để thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế, quân sự mạnh mẽ hơn trong “kỷ nguyên mới” giữa các đồng minh thân cận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dự họp báo tại hội nghị thượng đỉnh tại Trại David ngày 18-8. Ảnh: Reuters |
Đưa hợp tác quốc phòng lên mức chưa từng có
Hội nghị là kết quả của nỗ lực suốt hai năm giúp hàn gắn quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc sau những “vết cứa lịch sử” vốn ngăn cản hợp tác song phương trong nhiều thập niên qua. Yonhap dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden sau hội nghị ngày 18-8 (giờ địa phương) khẳng định, ba nước sẽ đưa hợp tác quốc phòng ba bên lên “mức độ chưa từng có” và sẽ theo đuổi kỷ nguyên hợp tác mới này.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhất trí tham vấn trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa chung, như mối đe dọa hạt nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng. Cam kết Tham vấn là một trong số nhiều thỏa thuận trong tuyên bố chung “Tinh thần của Trại David”, trong đó kêu gọi tổ chức cuộc họp ba bên thường niên giữa các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, cũng như cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa các bộ trưởng tài chính.
Bên cạnh đó, các bên công bố kế hoạch tập trận phòng thủ ba bên, chia sẻ dữ liệu thời gian thực về cảnh báo tên lửa Triều Tiên năm nay và lập nhóm làm việc để chống lại mối đe dọa trên mạng và các vấn đề về an ninh kinh tế. Đáng chú ý, tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về “những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhắc lại lập trường đã được công bố riêng của mỗi bên về an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, trong bối cảnh hàn gắn quan hệ tiến triển nhanh chóng, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí nối lại đàm phán cấp cao vốn gắn liền với hai cam kết riêng biệt: đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng dự kiến vào mùa Thu năm nay và đàm phán kinh tế có sự tham gia của quan chức cấp cao của hai nước cuối năm nay.
Phản ứng của Trung Quốc
Reuters dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc rõ ràng không phải là nước cờ của Mỹ nhằm xây dựng “NATO thu nhỏ” ở châu Á. Để trấn an dư luận, Tổng thống Biden cho biết, hội nghị hướng tới mục tiêu giúp khu vực thêm ổn định và thịnh vượng, chứ không phải nhắm vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc vẫn “chiếm sóng” các cuộc thảo luận và thậm chí còn được nhắc đến trong tuyên bố chung. Không ngạc nhiên khi Chính phủ Trung Quốc công khai chỉ trích hội nghị. Ngày 18-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Cộng đồng quốc tế có phán quyết riêng về việc ai đang tạo ra mâu thuẫn và gia tăng căng thẳng. Nỗ lực thành lập các phe nhóm và bè phái khác nhau và đưa sự đối đầu vào châu Á-Thái Bình Dương là không phù hợp và chắc chắn sẽ làm dấy lên sự cảnh giác và phản đối của các nước trong khu vực”.
Theo Global Times, dù ba nước nói trên vẫn chưa hình thành cam kết phòng thủ tập thể tương tự như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (vốn quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên đều được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh”) nhưng khẩu hiệu “mối đe dọa đối với bất kỳ thành viên nào đều được xem là mối đe dọa đối với toàn bộ ba nước” được khẳng định tại Trại David.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo, ý đồ “NATO thu nhỏ” có trở thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu khuôn khổ ba bên có được thể chế hóa và đưa vào luật ở mỗi quốc gia hay không, và điều này rất có khả năng xảy ra. Đồng quan điểm, G.S Li Haidong từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, dù ông Biden vẫn gọi mối quan hệ ba bên là “quan hệ đối tác” trong tuyên bố chung nhưng rõ ràng nó đang hướng tới mục tiêu hình thành “liên minh quân sự ba bên mới” nhằm phục vụ cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc và làm suy yếu triển vọng phát triển của nước châu Á này.
Trại David: Địa điểm mang tính biểu tượng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn là sự kiện ngoại giao đầu tiên kể từ năm 2015 tại Trại David, cho thấy kỳ vọng của Mỹ về cuộc gặp mang tính lịch sử với hai đồng minh quan trọng. Nằm cách Nhà Trắng chừng 120km, Trại David là nơi nghỉ dưỡng cho các Tổng thống Mỹ bắt đầu từ đời cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người gọi khu đất này là “Shangri-La”. Cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower sau đó đổi tên nơi đây theo tên cháu trai. Đây là nơi diễn ra các cuộc đàm phán ngoại giao lịch sử, trong đó có lễ ký hiệp định hòa bình lịch sử giữa Israel và Ai Cập dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter. Một quan chức Mỹ cho biết: “Trại David tạo bối cảnh lịch sử cho các cuộc gặp thượng đỉnh và cho các cuộc đối thoại chính sách đối ngoại quan trọng trong suốt lịch sử tồn tại của nó. Đây là nơi truyền tải những hình ảnh và biểu tượng chắc chắn về sự hòa giải, tình bạn và khởi đầu mới…”. |
THƯ LÊ