Nỗi lo lớn về khủng hoảng nguồn nước chưa từng có

.

Những năm qua, khủng hoảng nước trở thành vấn đề rất đáng quan tâm trong lúc dân số toàn cầu ngày càng tăng và nhiệt độ liên tục phá kỷ lục. Câu chuyện gần đây phản ánh nỗi tuyệt vọng của người dân tại một làng ở Indonesia khi họ phải đào đáy sông khô cạn để lấy nước càng làm rõ hơn thực trạng đáng báo động: cuộc khủng hoảng nước hiện ở mức chưa từng có.

Dữ liệu: Viện Tài nguyên thế giới (WRI). Đồ họa: MAI ANH
Dữ liệu: Viện Tài nguyên thế giới (WRI). Đồ họa: MAI ANH

Washington Post dẫn nghiên cứu mới nhất của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) nhận định, cuộc khủng hoảng nước chưa từng có sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu phức tạp, đặc biệt trong 30 năm tới.

Căng thẳng cao cực độ

WRI cho biết, khoảng một nửa dân số thế giới đang đối mặt tình trạng căng thẳng “cao” về nước trong ít nhất 1 tháng mỗi năm và tình trạng thiếu nước sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng có thể tăng lên gần 60% năm 2050. Căng thẳng “cao” nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh cục bộ giữa những người dùng khác nhau. Đáng chú ý, 25 quốc gia đang ở mức “căng thẳng cao cực độ” về tài nguyên nước. Điều này có nghĩa sự mất cân đối giữa việc sử dụng nước và các nguồn nước dự trữ của các nước này đã lên tới ít nhất 80%. Bahrain, Cyprus, Kuwait, Liban và Oman phải đối mặt tình trạng nghiêm trọng nhất, đứng đầu danh sách cùng với Chile, Hy Lạp và Tunisia. Tại Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng nhưng vẫn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng. Dự kiến, sẽ có thêm 1 tỷ người sống trong điều kiện căng thẳng “cực kỳ cao” về nước giữa thế kỷ này.

Đáng chú ý, phân tích của WRI chỉ tính toán đến nước mặt chứ không tính đến trữ lượng nước ngầm được khai thác khi hồ, sông và hồ chứa cạn kiệt. Điều này có nghĩa là các ước tính mới nhất nói trên có thể đánh giá thấp rủi ro. Thực tế, nhiều vùng nông thôn sử dụng nước ngầm làm nước uống và nông dân toàn thế giới dựa vào nguồn nước này để tưới tiêu. Song, nước ngầm thường có tốc độ luân chuyển chậm (dòng thấm rất chậm) so với nước mặt.

Ông Heather Cooley, Giám đốc nghiên cứu của Viện Thái Bình Dương, cho biết: “Những thách thức về nước sẽ trở nên thường xuyên hơn và khốc liệt hơn do tình trạng biến đổi khí hậu”. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo, khủng hoảng nước toàn cầu có thể vượt khỏi tầm kiểm soát do tiêu thụ quá mức và biến đổi khí hậu. Nhu cầu nước gia tăng bắt nguồn từ nhiều yếu tố, gồm dân số tăng và nhu cầu của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, cùng với các chính sách sử dụng nước không bền vững và thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ông Charles Iceland, Giám đốc Sáng kiến nước ngọt với Chương trình Lương thực, Đất đai và Nước của WRI cho biết: “Nhu cầu dùng nước sẽ tăng nhanh nếu càng nhiều người chuyển từ chế độ ăn nhiều ngũ cốc và rau củ sang chế độ ăn nhiều thịt.”. Uớc tính, việc nuôi một con bò để “tạo” 1 pound (0,45 kg) thịt cần tới 1.800 gallon nước (1 gallon = hơn 3,7 lít), gấp 8 lần so với trồng rau và 20 lần so với sản xuất loại ngũ cốc.

Giải pháp trước mắt

Theo WRI, khoảng 31% GDP toàn cầu có thể phải chịu hậu quả của tình trạng căng thẳng “cao” về nước hoặc thậm chí “rất cao” vào năm 2050, so với mức 24% vào năm 2010. Chỉ riêng Ấn Độ, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm hơn một nửa số khu vực trên thế giới có nguy cơ chứng kiến xáo trộn kinh tế nhiều nhất. Rõ ràng, khủng hoảng về nước không chỉ ảnh hưởng nguồn cung cấp nước uống, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp mà còn có thế dẫn đến xung đột chính trị ở các khu vực căng thẳng về nước nghiêm trọng nhất trong lúc các giải pháp vẫn “giậm chân tại chỗ” và các cam kết chưa chuyển thành hành động.

WRI cho rằng, việc hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng nước sẽ không tốn nhiều chi phí, với điều kiện việc quản lý nước phải được cải thiện. Ước tính, ngân sách cần thiết khoảng 1% GDP toàn cầu để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư thường xuyên vào cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần áp dụng kỹ thuật tưới nước hiệu quả hơn như tưới nhỏ giọt; sử dụng nước thải đã qua xử lý; bảo tồn và khôi phục vùng đất ngập nước và rừng; hoạch định chính sách tập trung vào các nguồn năng lượng không phụ thuộc quá nhiều vào nước, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió; giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.

“Nước quý hơn vàng” ở Las Vegas

Thành phố Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) vốn được biết tới bởi câu lạc bộ, sòng bạc khổng lồ. Tuy nhiên, thành phố sa mạc này cũng nổi tiếng với các giải pháp tiết kiệm nước bởi mỗi người dân nơi đây đều cảm nhận rất rõ “nước quý hơn vàng”. Người dân không được phép xây dựng hồ bơi hoặc là phòng tắm hơi tại gia lớn. Kích thước trung bình bể bơi ở Nevada là 43m2. Nước trong nhà cũng được tái chế, xử lý theo tiêu chuẩn nước sạch, sau đó trả lại cho Hồ Mead, nguồn nước chính của bang. Cỏ “không có chức năng”, hoặc chỉ đơn thuần trang trí, bị cấm trồng trên các dải phân cách, trước các tòa nhà thương mại và thậm chí ở sân trước. Song, trường học, công viên và nghĩa trang được miễn. Ngoài ra, thành phố cũng lên lịch tưới nước luân phiên theo các thời điểm trong năm.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.