Sáng kiến 'Vành đai và con đường' chuyển mình trước thách thức

.

Sau 10 năm triển khai, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), chính sách đối ngoại “đặc sản” của Trung Quốc với quy mô 1.000 tỷ USD đạt tiến bộ lớn trên nhiều phương diện hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn đó những gam màu sáng, tối; đặc biệt tình hình địa chính trị khó đoán ở các khu vực mà BRI tiếp cận đang thúc đẩy sáng kiến này có bước chuyển đổi phù hợp, trong đó dịch chuyển từ đầu tư cơ sở hạ tầng như mục tiêu ban đầu sang lĩnh vực khác với vốn đầu tư ít hơn nhưng mang lại hiệu quả cao hơn. 

Dự án tuyến đường sắt do BRI tài trợ ở thị trấn Purwakarta, Tây Java (Indonesia).  Ảnh: Getty Images
Dự án tuyến đường sắt do BRI tài trợ ở thị trấn Purwakarta, Tây Java (Indonesia). Ảnh: Getty Images

Âm thầm xoay trục?

Asia Nikkei gần đây dẫn dữ liệu đầu tư cho thấy, BRI đang chuyển từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn sang các lĩnh vực cần ít vốn đầu tư hơn như công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ sinh học. Tờ báo này thống kê khoản đầu tư “lĩnh vực xanh” mới của BRI từ công cụ giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài fDi Markets. Theo đó, đầu tư vào CNTT, truyền thông và linh kiện điện tử đạt tổng cộng 17,6 tỷ USD năm 2022, gấp 6 lần so với năm 2013, thời điểm BRI ra mắt. Bên cạnh kỹ thuật số, công nghệ sinh học cũng đạt tăng trưởng lớn, tăng gấp 29 lần từ năm 2013 lên 1,8 tỷ USD năm 2022. Đáng chú ý, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ liều vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới vào cuối năm 2022, chủ yếu tiếp cận các quốc gia mới nổi.

Sự chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc sang các lĩnh vực mới nói trên đi kèm với sự sụt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Đầu tư vào phát triển nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống đáng kể với một thập niên trước trong bối cảnh các nước nỗ lực cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết nước này sẽ không “rót” vốn đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Tương tự, nguồn vốn cho các dự án liên quan đến kim loại, chẳng hạn như sản xuất nhôm cũng đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2018.

Theo giới quan sát, điều này một phần là do đầu tư vào các lĩnh vực “mềm” như CNTT sẽ ít tốn kém hơn. Trung bình, 760 triệu USD được đầu tư cho mỗi dự án nhiên liệu hóa thạch và 160 triệu USD cho khai thác mỏ. Trong khi đó, dịch vụ CNTT và công nghệ sinh học chỉ cần lần lượt tốn khoảng 20 triệu và 60 triệu USD/dự án. Sự chuyển hướng có thể đồng nghĩa các nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc sẽ gặp ít rủi ro hơn.

Thách thức hiện hữu

Không thể phủ nhận vai trò Trung Quốc trong nỗ lực giúp phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tính kết nối toàn cầu với cam kết về “hợp tác cùng thắng” hay “cộng đồng chung vận mệnh”. BRI chứng kiến hàng trăm triệu USD được “rót” vào các dự án cơ sở hạ tầng mỗi năm, trong đó có hệ thống cảng từ Sri Lanka đến Tây Phi; cơ sở hạ tầng điện và viễn thông cho người dân từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều nước tham gia BRI đang “ngập” trong những khoản nợ xấu. Theo AP, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, các khoản vay với tổng trị giá 78 tỷ USD trong sáng kiến này đã biến thành nợ khó đòi hoặc phải xóa, qua đó đưa Trung Quốc trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới và trở thành gánh nặng tài chính đối với Bắc Kinh và các ngân hàng lớn của nước này.

Trong diễn biến đáng chú ý, tờ Corriere della Sera ngày 30-7 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto nói rằng, nước này đang cân nhắc cách để rút khỏi BRI sau 3 năm tham gia mà không làm tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc vì đây vừa là đối tác, vừa là quốc gia cạnh tranh. “Việc tham gia sáng kiến chỉ giúp tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Ý”, ông Crosetto nói. Động thái này thực sự gây chú ý bởi Ý là quốc gia lớn duy nhất của phương Tây và là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 tham gia BRI.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, bất ổn chính trị ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Chad và Sudan, những nơi Trung Quốc tập trung đầu tư khai khoáng và lọc hóa dầu, buộc nước này phải đánh giá lại về mức độ tham gia và hiện diện ở đó. Gần đây, diễn biến theo thang căng thẳng sau cuộc đảo chính ở Niger càng thêm đau đầu về những khoản tiền đầu tư ở những nước này. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài Trung Quốc có khả năng chuyển từ chiến lược BRI sang “Sáng kiến Phát triển toàn cầu” (GDI) vốn tập trung vào giảm nghèo, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, phát triển “xanh” và kinh tế kỹ thuật số.

Được công bố vào năm 2013, BRI thu hút sự tham gia của hơn 120 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế ký kết văn bản hợp tác với Trung Quốc. Đây là chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, được thành lập để xây dựng lại “Con đường tơ lụa”, kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu với mục đích tăng cường thương mại và tăng trưởng kinh tế.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.