Thỏa thuận an ninh mới giữa Canberra và Tokyo chính thức có hiệu lực tuần qua (dù đã ký từ tháng 1-2022). Trong khi Mỹ bày tỏ hoan nghênh và kỳ vọng thì Trung Quốc chỉ trích gay gắt hiệp ước này.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia tập trận chung với Mỹ, Anh và Úc tại khu thao trường Narashino, phía đông Tokyo ngày 8-1-2023. Ảnh: Reuters |
Hiệp ước có tên chính thức là Thỏa thuận Tiếp cận tương hỗ (RAA) Nhật Bản - Úc chính thức có hiệu lực từ ngày 13-8 trong bối cảnh cả Tokyo và Canberra đều đang gia tăng quan ngại trước những biến động phức tạp, khó lường về tình hình địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiệp ước quân sự lịch sử
Theo Eurasian Times, thỏa thuận nhằm tạo cơ chế tăng cường hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Úc (ADF) và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) gồm: huấn luyện, tiếp cận căn cứ quân sự và logistics. Gọi là hiệp định quân sự “lịch sử” bởi đây là lần đầu sau hơn 60 năm Nhật Bản mới lại ký kết hiệp ước quân sự cho phép điều quân đội tới nước khác ngoài Mỹ. Không chỉ tăng cường điều động, huấn luyện quân nhân giữa hai nước, RAA Nhật Bản - Úc cũng hỗ trợ vận chuyển vũ khí, khí tài cho các cuộc tập trận chung hay các sứ mệnh nhân đạo chung diễn ra mau chóng và thuận lợi hơn.
Theo thỏa thuận, cuối tháng 8-2023, lần đầu tiên các máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản sẽ được điều tới Căn cứ không quân Tindal của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc ở gần thành phố Darwin (Úc) trong khi F-35 của Úc sẽ tới quốc gia Đông Bắc Á này đầu tháng 9-2023. Cuối năm nay, Úc sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận chung Yama Sakura ở Nhật Bản với tư cách thành viên đầy đủ.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles: “RAA sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa lực lượng quốc phòng hai nước, hỗ trợ hợp tác gần gũi và tăng cường năng lực của ADF và JSDF. Cả Úc và Nhật Bản đều nhìn nhận sự phức tạp gia tăng trong môi trường an ninh của chúng ta và nhu cầu cần phát triển quan hệ hai bên để hỗ trợ khu vực ổn định và thịnh vượng”. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhận định thỏa thuận cột mốc này sẽ đưa hợp tác an ninh song phương lên tầm mức mới.
Không ngạc nhiên khi báo chí quốc tế gọi RAA là hiệp định quân sự tạo sự đối trọng với Trung Quốc. Ngay trong phần đề dẫn của tài liệu này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu cho rằng, Trung Quốc “đang mau chóng tăng cường năng lực quân sự cả về chất lượng và số lượng, trong đó có lực lượng tên lửa và hạt nhân…”.
Các quan hệ “tiểu đa phương”
Sputnik dẫn lời G.S Joe Siracusa tại Đại học Curtin (Úc) cho rằng, RAA hướng tới tăng cường hợp tác quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác an ninh kinh tế, khí hậu và an ninh năng lượng, và đó là mô hình quan hệ kiểu “tiểu đa phương” (minilateralism). Không có gì nghi ngờ rằng RAA được đặt ra để ứng phó với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc, bên cạnh một số sáng kiến hợp tác khác mà Mỹ và các đồng minh NATO đang nỗ lực triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, theo ông Igor Istomin, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tiến bộ tại Đại học MGIMO (Nga), RAA Nhật Bản - Úc nên được nhìn nhận là một phần trong “gói” các hiệp định song phương và đa phương mà Mỹ và các đồng minh đang trong quá trình hoàn tất tại châu Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông dẫn chứng hiệp định đó như QUAD gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc; AUKUS gồm Anh, Úc và Mỹ, và một dạng thức hợp tác ba bên nữa đang hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc bao gồm nội dung hợp tác kinh tế và quân sự trong những hiệp định đó có liên quan tới mục tiêu ứng phó với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ coi là nước đối đầu trong khi Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhận định là đối thủ cạnh tranh. “Tất cả đều đan kết với nhau và cùng theo đuổi mục tiêu răn đe”, ông Istomin nhận định.
Vì sao các đồng minh của Mỹ muốn hợp tác song phương? Chuyên gia Istomin cho rằng, việc các đồng minh của Mỹ ký kết các hiệp định song phương với nhau cho thấy sức mạnh của Mỹ đang giảm. Ông lý giải: “Về mặt lịch sử, Mỹ đã xây dựng chính sách trong khu vực dựa trên ý tưởng gọi là “mô hình bánh xe và nan hoa”. Có nghĩa Mỹ sẽ ở vị trí trung tâm và xung quanh là các mối quan hệ đồng minh song phương được thiết lập, chẳng hạn liên minh riêng rẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, và một số khác nữa. Tuy nhiên, hiện nay, rõ ràng khi Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ không còn đủ các nguồn lực nên họ đang khuyến khích các mối liên hệ giữa “những nan hoa” trong bánh xe. Bản thân những nước này cũng hiểu rằng Mỹ sẽ không thể giúp tất cả họ, cũng như không thể giúp tới mức độ như họ mong muốn trong tình huống xảy ra xung đột, vậy nên họ xây dựng các thỏa thuận đó”. |
TRẦN ĐẮC LUÂN