Tranh cãi việc Nhật Bản xả thải ra biển

.

Trước việc Nhật Bản “chốt” lộ trình xả hơn 1 triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển từ ngày 24-8, Trung Quốc phản ứng gay gắt, cảnh báo sẽ làm “mọi biện pháp cần thiết” để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhật Bản sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters
Nhật Bản sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters

Ngày 22-8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, quá trình xả thải này dự kiến kéo dài nhiều thập niên và cho tới nay đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối gay gắt từ các nước lân cận. 

Tranh cãi chưa dứt

Thực tế, Nhật Bản đi tới quyết định cuối cùng này sau khi có kết luận đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ tháng 7-2023 cho thấy kế hoạch xả thải nước từ nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh đông bắc Fukushima là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế. IAEA cũng đặt văn phòng thường trực tại nhà máy để giám sát tiến trình xả thải. Tuy nhiên, Nhật Bản cố gắng thu xếp kế hoạch xả thải để tránh phát sinh căng thẳng mới có thể gây tổn hại thành tựu ngoại giao vừa đạt được gần đây với nước láng giềng Hàn Quốc. Theo Financial Times, Nhật Bản đã trì hoãn kế hoạch xả thải cho tới sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn tại Mỹ tuần qua.

Ngày 22-8, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, nước này chưa thấy vấn đề gì về mặt khoa học cũng như kỹ thuật trong các kế hoạch xả thải của Nhật Bản. Seoul có thể liên hệ qua đường dây nóng để yêu cầu Tokyo dừng ngay việc xả thải nếu thấy cần thiết. Phát biểu trên đài YTN, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm việc xả thải được tiến hành theo các tiêu chuẩn quốc tế khách quan”. IAEA sẽ thường xuyên thông tin với Chính phủ Hàn Quốc về tiến trình xả thải. Theo Kyodo, hai bên cũng nhất trí thiết lập khung chia sẻ thông tin để giải tỏa những lo lắng của dư luận về sự việc.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại luồng dư luận phản đối gay gắt ngay tại Nhật Bản cũng như tại các nước láng giềng do lo ngại gia tăng về khả năng nước thải có thể gây ô nhiễm đại dương cũng như nhiễm độc hải sản. Ngày xả thải có thể đánh dấu sự khởi đầu của trận chiến sinh tồn mới đối với các chủ hàng hải sản Fukushima khi họ lo ngại việc xả thải chắc chắn làm giảm doanh số bán cá. Trong khi đó, người Hàn Quốc gần đây đổ xô trữ tích muối trước thời điểm Nhật Bản xả thải, khiến giá sản phẩm này tăng mạnh.

Trung Quốc phản ứng gay gắt

Tháng 7-2023, Trung Quốc triển khai thực hiện các xét nghiệm tồn dư chất phóng xạ với hải sản từ Nhật Bản. Ngày 22-8, Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại quan điểm sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Nhật Bản để phản đối kế hoạch xả nước thải của Tokyo. “Đại dương nuôi sống nhân loại. Nó không phải cống xả cho nước nhiễm chất phóng xạ hạt nhân. Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Nhật Bản dừng ngay việc này. Nhật Bản đang đặt những lợi ích của mình lên trên sự phồn vinh lâu dài của toàn nhân loại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh cấm hàng hải sản nhập từ Tokyo và 9 tỉnh khác của Nhật Bản từ ngày 24-8. Lệnh cấm áp dụng với tất cả hàng hóa hải sản bao gồm đồ tươi sống, đông lạnh, đồ khô và ướp lạnh, cũng như với muối và rong biển. Đặc khu này sẽ công bố kết quả xét nghiệm hằng ngày với các thực phẩm khác từ Nhật Bản. Chính quyền Macau (Trung Quốc) cũng thông báo lệnh cấm với hàng hóa thực phẩm, bao gồm hải sản, nhập từ các khu vực tương tự của Nhật Bản; đồng thời mở website đặc biệt về kiểm tra an toàn thực phẩm và công bố số liệu kiểm tra bức xạ mỗi ngày.

Tại Hàn Quốc, dù chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol không phản đối nhưng các đảng đối lập đang chuẩn bị kế hoạch tuần hành để phản đối.

Lãnh sự quán Nhật Bản tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, các lệnh cấm đã nêu là “hết sức đáng tiếc”; đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng Nhật Bản vô trách nhiệm bởi lẽ Tokyo đã thận trọng cân nhắc lộ trình xả thải suốt 6 năm qua và IAEA cũng đánh giá mức độ an toàn trong hai năm.

Các lò phản ứng hạt nhân của Fukushima Daiichi bị phá hủy hồi tháng 3-2011 trong thảm họa kép động đất, sóng thần. Khi đó, sóng thần đánh sập hệ thống làm mát của các lò này khiến nước dùng để làm phát lò phản ứng hạt nhân, cùng với nước ngầm, tràn vào bên trong và bị nhiễm xạ. Toàn bộ số nước đó được xử lý bằng một hệ thống phức tạp để loại bỏ những chất phóng xạ mạnh nhất nhưng vẫn chưa có cách nào để lọc bỏ tritium, đồng vị phóng xạ của hydrogen (H). Theo Financial Times, tritium có chu kỳ bán rã là hơn 12 năm và có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định, hàm lượng phóng xạ có trong nước đã qua xử lý ở Fukushima sẽ ở mức thấp hơn 1/7 so với tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế thế giới.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.