Trung Quốc: "Mỏ vàng" tiềm năng của ngành hải sản Nga?

.

Trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản sau khi nước láng giềng bắt đầu xả nước phóng xạ đã xử lý ra biển, cùng với tâm lý người dân e ngại tiêu thụ ngay cả hải sản đánh bắt nội địa ở một số vùng biển gần Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu hải sản của Trung Quốc từ các nước khác sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tranh thủ thời cơ này, Nga đang xúc tiến kế hoạch tăng xuất khẩu sang quốc gia tỷ dân này. 

Quầy bán hải sản tại một chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24-8. Ảnh: Reuters
Quầy bán hải sản tại một chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24-8. Ảnh: Reuters

Nga nắm bắt thời cơ

Theo Reuters, Nga đang tận dụng thời cơ thuận lợi để tăng xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc sau lệnh cấm nhập khẩu tất cả thủy hải sản từ Nhật Bản từ ngày 24-8 vì vụ nước thải ra biển của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhằm ngăn chặn toàn diện rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nêu rõ thời điểm lệnh cấm kết thúc. “Thị trường Trung Quốc nhìn chung đầy hứa hẹn cho các sản phẩm cá của Nga. Chúng tôi kỳ vọng tăng số lượng công ty và tàu Nga được chứng nhận, cũng như khối lượng và chủng loại sản phẩm”, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Nga Rosselkhoznadzor thông báo. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng thị phần tiêu thụ ở Trung Quốc, Rosselkhoznadzor sẽ tiến hành đối thoại với nước châu Á này về an toàn hải sản, cũng như hoàn thành đàm phán về các quy định cung cấp hải sản.

Theo Interfax, trong động thái tương tự các nước láng giềng của Nhật Bản, Rosselkhoznadzor cũng siết chặt sàng lọc thủy hải sản nhập từ Nhật Bản; tăng cường kiểm soát phóng xạ đối với hải sản đánh bắt tại vùng biển của nước này vốn nằm tương đối gần Fukushima; kiểm tra các mẫu được chọn để xác định nồng độ phóng xạ. Tuy nhiên, hướng hải lưu tại vùng Viễn Đông của Nga, nơi cung cấp 70% lượng hải sản của nước này, sẽ “ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm” đối với các sản phẩm do tàu Nga đánh bắt.

Năm 2022, Nga xuất khẩu 2,3 triệu tấn hải sản trị giá khoảng 6,1 tỷ USD, tương đương một nửa tổng sản lượng đánh bắt của nước này. Nga hiện là một trong những nước cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc. Từ tháng 1 đến 8-2023, Trung Quốc là điểm đến của hơn một nửa sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Nga. Trước đó, Nga tăng cường xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc, châu Phi để bù đắp thị trường tiêu thụ vốn bị mất sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết, những chỉ trích từ Nga và Trung Quốc không có bằng chứng khoa học; đồng thời khẳng định mức độ ô nhiễm phóng xạ trong nước dưới mức được coi là an toàn để uống, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Ngày 26-8, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố không phát hiện đồng vị phóng xạ tritium trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân. Từ nay đến tháng 3-2024, tổng cộng 31.200 tấn nước nước nhiễm xạ đã qua xử lý sẽ được thải ra biển. Sau động thái đáp trả từ Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến thúc đẩy tiêu thụ hải sản tại thị trường trong nước, đi cùng với tăng cường xuất khẩu sang các nước khác như Thái Lan, Việt Nam và Singapore.

Cơ hội cho các nước khác

Theo AP, so với tổng kim ngạch thủy sản Trung Quốc nhập khẩu năm 2022 là 19,13 tỷ USD thì nguồn cung từ Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3% trong năm 2022. Các quốc gia cung ứng thủy sản chủ chốt cho Trung Quốc hiện nay gồm Ecuador (chiếm 18,6% tổng kim ngạch), Nga (chiếm 14,4%), Ấn Độ (chiếm 6,6)... Do đó, theo nguyên lý thị trường, việc Trung Quốc “cấm cửa” toàn bộ thủy hải sản Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho các nước khác ngoài Nga tăng xuất khẩu sang quốc gia tỷ dân này.

Tuy nhiên, cũng cần nắm rõ thực tế rằng không phải mặt hàng thủy hải sản nào cũng được chào đón tại Trung Quốc. Xét về cơ cấu hải sản nhập khẩu của Trung Quốc, các loại giáp xác với kim ngạch nhập khẩu đạt 9,8 tỷ USD (chiếm 51,2% tổng kim ngạch nhập khẩu) được nhập khẩu nhiều nhất; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các sản phẩm tôm nước ấm (chủ yếu là tôm được nuôi trồng) lên tới 5,65 tỷ USD. Trong khi đó, cá đông lạnh đứng ở vi trí thứ hai với kim ngạch nhập khẩu đạt 5,1 tỷ USD (chiếm 26,6% tổng kim ngạch nhập khẩu). Theo các chuyên gia, tôm nhiều khả năng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi các loại thuỷ sản giáp xác của Nhật Bản vắng bóng trên thị trường Trung Quốc, qua đó sẽ kích thích người tiêu dùng nước này tìm mua các sản phẩm thay thế của những nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tác động của lệnh cấm đối với kinh tế Nhật Bản
Theo Reuters, khoảng 700 nhà xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trung Quốc. Giới chức Nhật Bản cho rằng, phản ứng thái quá của Trung Quốc rất đáng thất vọng và đi ngược lại động thái toàn cầu nhằm bãi bỏ quy định và loại bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản. Tokyo đã gửi kháng nghị tới Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu hủy lệnh cấm ngay lập tức. Trung Quốc có thể là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Nhật Bản nhưng các sản phẩm hải sản chỉ chiếm chưa đến 1% tổng thương mại toàn cầu của Nhật Bản. Do đó lệnh cấm thiên về phản ứng mang tính chính trị hơn là kinh tế. Với tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, chủ yếu là ô-tô và máy móc, đạt gần 100 nghìn tỷ yên, động thái của Trung Quốc có tác động không đáng kể. Ngay cả khi việc đình chỉ nhập khẩu tiếp tục trong một năm, GDP của Nhật Bản chỉ giảm 0,03%.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.