Ấn Độ sẽ là cường quốc mới của thế giới?

.

Với tư cách là quốc gia có nguồn lực dồi dào về lao động trẻ, kỹ năng cao, thành thạo tiếng Anh, tỷ lệ phụ thuộc trong dân số thấp và thị trường tiêu dùng lớn đang tiếp tục tăng trưởng, Ấn Độ có cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào mục tiêu vị thế lớn hơn: cường quốc mới trên trường quốc tế.

Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.  Trong Ảnh: Một nhà máy lắp ráp ô-tô ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. TRONG ẢNH: Một nhà máy lắp ráp ô-tô ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, kinh tế phát triển và vị thế địa chính trị được nhìn nhận như đối trọng cân bằng với Trung Quốc tại châu Á, Ấn Độ đang vươn lên với xung lực mạnh mẽ nhất để nâng tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Tham vọng “bậc thầy của thế giới”

Theo SCMP, 2023 là năm đáng nhớ và mang tính cột mốc với Ấn Độ. Trước hết, năm nay là thời điểm chính thức ghi nhận Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới, “soán ngôi” nước láng giềng Trung Quốc. Tháng 9-2023, Ấn Độ tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 ở thời điểm rất quan trọng với sự hợp tác toàn cầu trong bối cảnh thế giới vừa thoát khỏi Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

Những biến động chính trị toàn cầu thời gian qua như xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tác động đáng kể tới việc Ấn Độ điều chỉnh lại chiến lược địa chính trị. Quốc gia Nam Á này xác định sản xuất là lĩnh vực chủ chốt không phải chỉ để tạo thêm việc làm cho lao động trong nước mà còn là động lực quan trọng để hiện thực hóa tham vọng toàn cầu.

Trong những ngày trước khi hội nghị G20 tại New Delhi, trên rất nhiều tờ báo lớn, các biển quảng cáo và các trạm xe bus ở mọi thành phố lớn đều lan tỏa thông điệp ca ngợi Ấn Độ như “Vishwaguru”, tức “bậc thầy của thế giới”. Một ví dụ sinh động cho tham vọng toàn cầu là việc New Delhi tranh thủ các diễn đàn đa phương như G20 và COP 28 để chứng minh với thế giới rằng nước này có thể cân bằng hiệu quả ra sao giữa các nhu cầu trong nước và áp lực quốc tế trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tháng 1-2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chủ trì hội nghị thượng đỉnh với 125 nước Nam bán cầu (Global South), thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á.

Lợi thế của Ấn Độ

Đâu là cơ sở để Ấn Độ tự tin xác lập vị thế “Vishwaguru” như vậy? Từ tháng 9-2023, Ấn Độ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và GDP của nước này ước tính hiện hơn 3.000 tỷ USD, theo CNBC. Điều đó càng ý nghĩa hơn khi được công bố vào thời điểm Ấn Độ kỷ niệm sự kiện tròn 75 năm độc lập. Nó cũng đánh dấu việc lần đầu tiên quốc gia Nam Á đứng vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Bà Deepa Kumar, chuyên gia phân tích về các rủi ro an ninh, chính trị của nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence (Mỹ), cho rằng, những thay đổi mang tính tham vọng trong chiến lược địa chính trị của Ấn Độ được thúc đẩy bởi các nhân tố bên trong và bên ngoài.

Về bên ngoài, Ấn Độ đang quan sát tình hình toàn cầu và cách thức thế giới đang định hình lại trật tự trong bối cảnh hiện nay, ở giai đoạn hậu Covid-19 và sắp tới có thể là hậu xung đột Nga-Ukraine. Bà Deepa Kumar cho rằng, Ấn Độ tin rằng, lúc này là thời điểm phù hợp để thực hiện chính sách đối ngoại khác và có thể tham gia với các nước khác với tiếng nói “lớn” hơn. Ở trong nước, Ấn Độ đang phát triển rất nhanh. Theo S&P Global Market Intelligence, Ấn Độ dự kiến trở thành nước có đóng góp lớn thứ ba thế giới cho tăng trưởng toàn cầu trong thập niên tới. Rõ ràng, khi Ấn Độ trở thành cường quốc kinh tế lớn hơn thì tất yếu họ cũng sẽ có vị thế địa chính trị tương xứng hơn.

Ngày 27-9, SCMP dẫn lời cây bút Zhou Bo cho rằng, với lợi thế hiện nay là cường quốc tầm trung, Ấn Độ có thể tận dụng cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, chẳng hạn như cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.  Đơn cử như cùng liên quan tới xung đột tại Ukraine, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng bày tỏ lập trường trung lập nhưng Washington tạm gác sang một bên những khó chịu với Ấn Độ khi New Delhi không đồng thuận lên án Moscow. Lý do của việc này là vì Mỹ tính tới nhu cầu chiến lược dài hạn trong việc cần phải kéo Ấn Độ lại gần hơn và ứng phó với Trung Quốc. Đây cũng là cách cho thấy Ấn Độ có thể thuyết phục thành công cả Mỹ và châu Âu đồng thuận với tuyên bố chung của G20 vừa qua với ngôn ngữ dịu nhẹ hơn khi đề cập xung đột Nga - Ukraine.

Ấn Độ kiên trì chính sách độc lập tự cường
CNBC dẫn lời ông Karthik Nachiappan, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, New Delhi có ảnh hưởng ngày càng lớn với các nước Nam bán cầu. “Không liên kết đã là chính sách quan trọng nhất bao trùm chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong suốt nhiều thập niên”, ông Nachiappan nói. Chính điều này trong suốt nhiều năm đã trao cho Chính phủ Ấn Độ công cụ để tránh bị vướng vào các vấn đề hay rắc rối có thể gây tổn hại tới những lợi ích quốc gia, chủ yếu là phát triển kinh tế.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.