ChatGPT cải tiến, cuộc đua chatbot AI thêm sôi động

.

Sau thời gian cơn sốt ChatGPT tạm lắng, việc OpenAI, công ty mẹ của chatbot AI này, công bố tính năng nghe, nói  và nhìn một lần nữa hâm nóng dư luận những ngày qua, thậm chí còn châm ngòi cuộc đua phát triển các chatbot AI khác.

Với tính năng duyệt web theo thời gian thực từ ngày 27-9, ChatGPT vượt qua phần hạn chế tiếp cận dữ liệu chỉ tới tháng 9-2021 trong các phiên bản trước đây. Tuy nhiên, tính năng này mới mở cho tài khoản trả phí. Ảnh: Reddit
Với tính năng duyệt web theo thời gian thực từ ngày 27-9, ChatGPT vượt qua phần hạn chế tiếp cận dữ liệu chỉ tới tháng 9-2021 trong các phiên bản trước đây. Tuy nhiên, tính năng này mới mở cho tài khoản trả phí. Ảnh: Reddit

Đầu tuần này, OpenAI thông báo đã bổ sung khả năng nhìn, nghe và nói với hai tính năng mới cho chatbot của họ. Thứ nhất, giờ đây bạn có thể tải lên hình ảnh rồi yêu cầu ChatGPT phân tích và phản hồi thông tin liên quan hình ảnh đó. Thứ hai, tính năng cho phép bạn nói chuyện với ChatGPT và nghe nó trả lời bằng giọng nói được tổng hợp, hệt như cách bạn từng nói chuyện với các trợ lý ảo Siri và Alexa.

Các hệ thống AI đa phương thức

Những tính năng nói trên là một phần trong nỗ lực phát triển chung toàn ngành hướng tới cái gọi là các hệ thống AI đa phương thức. Theo đó, những hệ thống này có thể xử lý văn bản (text), hình ảnh, video và bất cứ thứ gì người dùng yêu cầu. Mục đích cuối cùng của những nỗ lực này là tạo ra hệ thống AI có khả năng xử lý thông tin theo mọi cách thức mà con người có thể.

Thực tế, hầu hết người dùng ChatGPT vẫn chưa được tiếp cận các tính năng mới. Trong những tuần tới đây, OpenAI mới chỉ mở chúng cho những khách hàng trả tiền, đang dùng tài khoản ChatGPT Plus và Enterprise. Có thể họ sẽ mở rộng đối tượng người dùng khác về sau. Tính năng nhận diện hình ảnh sẽ hoạt động cả trên máy tính để bàn và thiết bị điện tử di động, nhưng tính năng nghe nói chỉ dùng được trên các app ChatGPT của hệ điều hành Android hoặc iOS.

Ngày 27-9, OpenAI cũng cập nhật việc ChatGPT đã được bổ sung lại khả năng duyệt web theo thời gian thực và dữ liệu của nó sẽ không còn bị giới hạn ở mức trước tháng 9-2021. Thực tế, tính năng duyệt web này đã được mở cho các tài khoản Chat GPT Plus từ tháng 7-2023 nhưng sau đó bị gỡ vì nhiều người lợi dụng nó để vượt rào thu phí của các trang web.

Chạy đua chatbot AI

Chỉ hai ngày sau khi OpenAI công bố các tính năng cập nhật của ChatGPT, công ty Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng ra mắt chatbot AI do họ phát triển, như một sự đáp trả rõ ràng với ChatGPT. Meta cũng quảng bá một loạt chatbot có avatar được tạo ra từ nguyên mẫu những người nổi tiếng như rapper Snoop Dogg và người mẫu Paris Hilton.

Theo Wired, trợ lý AI của Meta là “Meta AI” được phát triển từ mô hình ngôn ngữ Llama 2 rất lớn của công ty. Chatbot này cũng có khả năng tạo ra hình ảnh, sử dụng công cụ tạo ra hình ảnh mới có tên là EMU đã được Meta phát triển và đào tạo bằng 1,1 tỷ cặp đôi hình ảnh và text, trong đó gồm các hình ảnh và chú thích đi kèm được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram của họ.

 Trợ lý mới Meta AI trình làng ngày 27-9 cho một nhóm hạn chế những người dùng ở Mỹ trên Facebook, Instagram, và WhatsApp. Chatbot mới của Meta có thể làm những việc như đề xuất kế hoạch du lịch trong một nhóm chat, đưa ra phản hồi cho những câu hỏi. Nó cũng có thể đối đáp với người dùng khi họ dùng các loại kính thông minh mà Meta sẽ tung ra thị trường trong tháng tới với người dùng Mỹ.

Trước đó, các công ty như Microsofot, Alphabet và Amazon cũng công bố các chatbot mới hoặc phiên bản nâng cấp chatbot AI lần lượt là Bing Chat, Google Bard và Amazon Lex, để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.

Ngay cả Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan tình báo Mỹ khác cũng sẽ sớm có chatbot AI tương tự ChatGPT. Theo Bloomberg, việc phát triển riêng công cụ ChatGPT nhằm giúp các cơ quan này giải quyết một số lượng khổng lồ các thông tin, dữ liệu. “Chúng tôi phải tìm kiếm những cái kim trong một rừng kim”, ông Randy Nixon, Giám đốc đơn vị phụ trách nguồn mở của CIA, chia sẻ về thách thức rất lớn trong việc xử lý dữ liệu của cơ quan tình báo Mỹ, cũng là lý do thôi thúc họ phát triển chatbot AI.

Chưa lường hết các nguy cơ
Cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc đua công nghệ và phát triển các chatbot AI, nhiều mối lo ngại đã được các chuyên gia chỉ ra như lạm dụng chatbot AI để đạo văn, gian lận trong học hành, thi cử, tin giả, rò rỉ dữ liệu, lừa đảo qua mạng… Nhiều đơn vị, tổ chức đã cấm dùng công cụ này. Chẳng hạn, tại New York, ngành giáo dục cấm dùng ChatGPT trên mọi thiết bị và hệ thống mạng trong các trường công lập. Theo Insider Monkey, tính đến ngày 27-7, có 15 nước cấm ChatGPT gồm Nga, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Iran, Saudi Arabia, Afghanistan, Libya, Eritrea, Eswatini, Nam Sudan, Syria, Chad, Yemen, Sudan. Trong diễn biến mới nhất, các nghệ sĩ khắp Trung Quốc đang tẩy chay một trong những mạng xã hội lớn nhất nước này vì công cụ tạo hình ảnh AI đã ảnh hưởng tác phẩm nghệ thuật của họ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.