Chính phủ Mỹ sẽ lách khe cửa hẹp tránh đóng cửa?

.

Viễn cảnh Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày càng hiện rõ hơn khi Quốc hội vốn đang bị chia rẽ vẫn chưa tìm tiếng nói chung về kế hoạch cấp kinh phí hoạt động cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10.

Lối vào Hạ viện Mỹ tại Điện Capitol, Washington, D.C., ngày 11-9. Ảnh: Getty Images
Lối vào Hạ viện Mỹ tại Điện Capitol, Washington, D.C., ngày 11-9. Ảnh: Getty Images

Nếu Quốc hội không đạt thỏa thuận trước ngày 30-9, một số bộ phận của Chính phủ liên bang sẽ đóng cửa bắt đầu từ ngày 1-10. Vụ việc đáng tiếc này sẽ gây gián đoạn đáng kể hầu hết các dịch vụ, khiến hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ việc không lương, và là đòn giáng lên kinh tế đất nước, đặc biệt là thị trường tài chính.

Hạn chót đang cận kề

Mỗi ngày trôi qua mà không có thỏa thuận mang tính đột phá thì khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ cao hơn. Nhà Trắng đã thông báo cho các cơ quan liên bang sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ này. Theo Reuters, Quốc hội phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan Chính phủ mỗi năm nhưng quá trình này rất tốn thời gian. Do đó, họ thường phải thông qua lệnh gia hạn tạm thời cho phép Chính phủ duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nhóm nghị sĩ cực hữu trong đảng Cộng hòa ở Hạ viện tuyên bố bác bỏ dự luật tạm thời.

Thay vào đó, họ sẵn sàng để Chính phủ đóng cửa cho đến khi Quốc hội đàm phán xong toàn bộ 12 dự luật vốn khó có thể hoàn tất trước tháng 12-2023. Nhóm nghị sĩ cứng rắn này kêu gọi cắt giảm nguồn tài trợ cho Ukraine, chi thêm tiền để duy trì an ninh biên giới, giảm chi tiêu tổng thể và hủy bỏ nguồn tài trợ cho cuộc truy tố liên bang đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tái tranh cử trong khi phải đối mặt với bốn cáo trạng hình sự.

Trong diễn biến mới nhất, Hạ viện khởi động quá trình thông qua 4 dự luật để cấp ngân sách cho các bộ: Quốc phòng, An ninh nội địa, Ngoại giao và Nông nghiệp, vào ngày 26-9. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực cuối cùng của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn Chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, ngay cả khi qua “ải” Hạ viện, các dự luật này có thể bị chặn đứng ở Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Không thể dự đoán việc đóng cửa sẽ kéo dài bao lâu. Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ giữa Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Trong khi đó Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tìm cách sử dụng nguy cơ đóng cửa làm đòn bẩy để cắt giảm chi tiêu hơn nữa. Hơn nữa, ông Trump đang vận động nhóm nghị sĩ cực hữu nói trên tiếp tục theo đường lối cứng rắn. Nếu những “nút thắt” này không được tháo gỡ nhanh chóng thì việc Chính phủ đóng cửa sẽ kéo dài hàng tuần, thậm chí có thể lâu hơn.

Tác động trên diện rộng

Một khi Chính phủ ngừng hoạt động, các cơ quan liên bang ngừng hoạt động, ngoại trừ những cơ quan “thiết yếu” như Bưu điện Mỹ, Chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare và An sinh xã hội. Viễn cảnh này khiến hàng triệu nhân viên liên bang, bao gồm cả thành viên quân đội, sẽ phải đối mặt với tình trạng trả lương chậm khi chính phủ đóng cửa. Hiện, các nhân viên liên bang làm việc ở tất cả 50 tiểu bang và làm việc trực tiếp với người dân, từ nhân viên vận hành an ninh tại các sân bay cho đến các nhân viên chuyển thư.

Ngoài ảnh hưởng đến việc làm của nhân viên liên bang, việc đóng cửa có thể có tác động sâu rộng đến các dịch vụ công của chính phủ. Những người đăng ký các dịch vụ của chính phủ như thử nghiệm lâm sàng, giấy phép sử dụng súng và hộ chiếu có thể đối mặt với tình trạng chậm trễ.

Giới quan sát cảnh báo rằng một đợt đóng cửa có thể gây thiệt hại cho thị trường tài chính. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, cứ mỗi tuần chính phủ đóng cửa, tăng trưởng kinh tế lại giảm 0,2% dù sau đó sẽ tăng lại khi chính phủ tái mở cửa.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Công nghiệp du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày. Các nhà phân tích tại công ty trái phiếu khổng lồ PIMCO cho biết, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa hoàn toàn và kéo dài có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) miễn cưỡng tăng lãi suất vào tháng 11-2023 sau khi phát tín hiệu “hãm phanh” gần đây. 

Trong khi đó, giới phân tích cũng lo ngại sự gián đoạn trong các dịch vụ công có tác động sâu rộng vì nó làm lung lay niềm tin vào chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của mình. Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo: “Một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động tốt”.

Từng có tiền lệ
Nếu các bên không có giải pháp ổn thỏa trước ngày 1-10, Chính phủ Mỹ sẽ trải qua đợt đóng cửa thứ tư trong vòng 10 năm. Lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử nước này kéo dài từ tháng 12-2018 đến tháng 1-2019 khi Tổng thống Trump lúc đó và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội lâm vào bế tắc đàm phán. Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, việc đóng cửa một phần kéo dài 5 tuần đã khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 11 tỷ USD. Phần lớn số tiền đó sẽ được phục hồi sau khi lệnh đóng cửa kết thúc nhưng ước tính khoản lỗ vĩnh viễn khoảng 3 tỷ USD. Trước thập niên 1980, thông thường Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường khi các dự luật tài trợ chưa được thông qua. Nhưng vào năm 1980 và 1981, Bộ trưởng Tư pháp Benjamin Civiletti lúc bấy giờ đề xuất ý kiến cho rằng việc Chính phủ tiêu tiền mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là bất hợp pháp.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.