Chờ đợi kỳ tích từ cuộc giải cứu ở hang sâu 1.000m

.

Lực lượng cứu hộ từ khắp châu Âu liên tục đổ xô đến hang động ở Thổ Nhĩ Kỳ để giải cứu nhà thám hiểm người Mỹ bị mắc kẹt ở độ sâu gần 1.000m. Đây là một trong những chiến dịch giải cứu lớn nhất thế giới cả về mặt hậu cần lẫn kỹ thuật.

Theo Reuters, ngày 7-9, Hiệp hội cứu hộ hang động châu Âu cho biết, nhà thám hiểm hang động giàu kinh nghiệm Mark Dickey (40 tuổi) đột nhiên bị xuất huyết tiêu hóa khi đang thám hiểm tại hang động Morca, thuộc dãy núi Taurus, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ ở độ sâu 1.120m, gần bờ biển Địa Trung Hải. Vấn đề sức khỏe khiến Dickey không thể tiếp tục hành trình để tự trở lên mặt đất. Lực lượng cứu hộ đa quốc gia với hơn 170 thành viên đang tham gia chiến dịch giải cứu, bao gồm bác sĩ, nhân viên y tế và những chuyên gia thám hiểm hang động giàu kinh nghiệm đến từ nhiều nơi như Bulgaria, Croatia, Hungary, Ý, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Dickey gửi video từ bên trong hang động để thông báo tình trạng sức khỏe, đồng thời cảm ơn nỗ lực cứu hộ của cộng đồng thám hiểm. Trong video công bố ngày 7-9, nhà thám hiểm này cho biết: “Tôi chưa được chữa lành bên trong nên rất cần sự trợ giúp để ra khỏi đây. Phản ứng nhanh chóng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để có được vật tư y tế cần thiết đã cứu mạng tôi”. Theo nhóm giải cứu hang động có trụ sở tại Mỹ, Dickey đang được theo dõi sức khỏe tại điểm cách mặt đất 1.040 m và đang được truyền máu, tình trạng sức khỏe đang cải thiện. Ông đã ngừng chảy máu và nôn mửa, có thể ăn uống bình thường và đi lại nếu có người đỡ nhưng không thể rời khỏi nơi đó nếu không có cáng.

Theo Reuters, lực lượng chức năng đang cố gắng tiếp cận và điều trị cho Dickey nhưng quá trình giải cứu là sứ mệnh đầy thử thách bởi ông mắc kẹt tại nơi quá hẹp nên cáng cứu hộ không thể luồn qua trong khi nhiệt độ bên trong chỉ khoảng 4-6oC. Điều đáng chú ý khác là trước khi đưa Dickey ra ngoài an toàn, ông phải được chuyển đến trại tạm trú ở độ cao 700m sau khi mở rộng những lối đi hẹp nhất trong hang để cáng có thể luồn qua. Trong khi đó, ông Yusuf Ogrenecek từ Liên đoàn Hang động Thổ Nhĩ Kỳ (TUMAF) cho biết, việc mở lối đi hẹp cũng là nhiệm vụ rất khó, tốn nhiều công sức và đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn cao. Được biết, hang Morca là hang sâu thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ với độ sâu là 1.276 m. Do cấu tạo rất phức tạp của hang với những lối đi quanh co, nhỏ hẹp và dốc, một nhà thám hiểm nhiều kinh nghiệm phải tốn tới 15 giờ để có thể lên mặt đất trong điều kiện lý tưởng.

Reuters dẫn lời lãnh đạo TUMAF Bulent Genc cho biết, công tác cứu hộ dự kiến mất 10 ngày nhưng cũng có thể ngắn hơn, tùy thuộc tình trạng sức khỏe của Dickey. Lực lượng cứu hộ đã lập đường dây điện thoại kết nối tới độ sâu 1.040m và chuẩn bị hệ thống liên lạc CaveLink để dự phòng. Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ y tế cho Dickey, cần phải duy trì đường dây liên lạc cho lực lượng cứu hộ và cung cấp ánh sáng trong quá trình giải cứu trong hang sâu.

Ông Dickey, giảng viên của Ủy ban Cứu hộ hang động quốc gia Mỹ (NCRC), được đào tạo chuyên sâu, nổi tiếng vì từng tham gia nhiều cuộc thám hiểm quốc tế và bản thân cũng là người cứu hộ hang động. Theo ABC News, trong điềm báo kỳ lạ trước đó, chính ông Dickey từng nói về công tác giải cứu một người thám hiểm bị thương trong những hang động sâu khó khăn như thế nào. Phát biểu trong lúc đang ghi hình một phim tài liệu tại hang Cueva Gavilan (Mexico) tháng 11-2022, Dickey nói: “Số lượng các nguyên tắc cứu hộ liên quan đến giải cứu hang động thật đáng kinh ngạc với một loạt thử thách mà bạn phải vượt qua để đưa ai đó ra khỏi hang khi họ bị thương. Bạn sẽ không nhận ra nó khó khăn đến thế nào cho đến khi bạn tham gia cứu hộ”. Giờ đây, tình huống trớ trêu này lại xảy ra với Dickey.

Đến nay, chiến dịch gây quỹ GoFundMe do NCRC phát động để hỗ trợ công tác hậu cần cho nỗ lực giải cứu Dicke đã huy động 41.000 USD trong số tiền mục tiêu 100.000 USD. Giờ đây, dư luận quốc tế tiếp tục dõi theo và kỳ vọng phép màu xuất hiện đối với nhà thám hiểm Mỹ như “nhiệm vụ bất khả thi” giải cứu đội bóng thiếu niên cùng huấn luyện viên bị mất tích trong hang động ở Thái Lan năm 2018 thành công mỹ mãn sau “18 ngày đen tối”.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.