Công nghệ vũ trụ: Mặt trận hợp tác mới của Nga - Triều

.

Ngày 13-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay vũ trụ Vostochny thuộc vùng Viễn Đông (Nga). Chương trình nghị sự xoay quanh nhiều khía cạnh hợp tác sâu rộng trong thời điểm hai nước cam kết nâng tầm quan hệ. Đáng chú ý, hợp tác về công nghệ vũ trụ là một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm lần này của ông Kim Jong-un.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Vostochny ở vùng Viễn Đông (Nga), ngày 13-9. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Vostochny ở vùng Viễn Đông (Nga), ngày 13-9. Ảnh: Sputnik

Nâng tầm quan hệ song phương

Theo Sputnik, tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên hiện nay là củng cố quan hệ với Nga, mong muốn nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới; đồng thời bày tỏ ủng hộ mọi quyết định và chính sách của Nga và kỳ vọng hai nước sẽ luôn gắn kết bền chặt. Về phần mình, Tổng thống Putin lưu ý đến thời điểm đặc biệt của cuộc gặp: đó là Triều Tiên vừa kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 9-9. Ông nhấn mạnh: “Đất nước chúng tôi là quốc gia đầu tiên công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia có chủ quyền và độc lập”. Bình luận về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng, ông Putin cho biết, Nga luôn tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tận dụng các cơ hội hợp tác trong khuôn khổ các quy tắc này.

Theo TASS, sau cuộc hội đàm, ông Kim Jong-un có kế hoạch tới thành phố Komsomolsk-on-Amur để thăm quan các nhà máy sản xuất các thiết bị dân sự và quân sự, thăm thành phố Vladivostok, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, cùng với số cơ sở của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nơi có các phòng thí nghiệm liên quan đến sinh học biển. Tiếp nối chuyến thăm gần đây của các quan chức cấp cao Nga tới Triều Tiên vừa qua, phái đoàn từ Hạ viện Nga sẽ đến nước Đông Bắc Á mùa thu năm nay.

Mở rộng hợp tác về công nghiệp vũ trụ

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Putin mời ông Kim Jong-un thăm sân bay vũ trụ Vostochny, biểu tượng cho tham vọng cường quốc không gian của Nga. Việc lựa chọn gặp mặt tại Vostochny lần này rất đáng chú ý, cho thấy Triều Tiên mong muốn tiếp cận công nghệ tên lửa và vệ tinh quân sự tiên tiến, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu mà nước này đang hướng đến trong nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Với thiện chí hỗ trợ của Nga, Triều Tiên hy vọng sẽ khắc phục những trở ngại về mặt kỹ thuật sau các lần phóng vệ tinh trinh sát bất thành trong 4 tháng qua. Theo Reuters, ông Putin đã phát tín hiệu sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và vệ tinh. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đến Vostochny. Lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra rất quan tâm đến kỹ thuật tên lửa. Họ cũng đang cố phát triển lĩnh vực không gian”, ông Putin nói. Theo truyền thông nhà nước Nga, tại Vostochny, ông Kim Jong-un thăm khu hàng không vũ trụ và đi gần khu phức hợp tên lửa, nơi lắp rắp và thử nghiệm phương tiện phóng. Theo giới quan sát, ông Kim Jong-un hiện tập trung nguồn lực để đạt thành công trong các phóng vệ tinh do thám tiếp theo, đồng thời thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và tàu ngầm tấn công.

Trong khi đó, Washington và các đồng minh lại suy đoán, hợp tác quốc phòng là mục tiêu nghị sự hàng đầu trong chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un. Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho biết, thành phần phái đoàn Triều Tiên tới Nga, với sự hiện diện đáng chú ý của Giám đốc Cục Công nghiệp Đạn dược Jo Chun Ryong, cho thấy chương trình nghị sự tập trung vào các thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Theo giới quan sát, chuyến đi lần này của ông Kim Jong-un phần nào phản ánh sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên bởi ông đã chọn Nga, thay vì Trung Quốc, là điểm đến trong công tác nước ngoài đầu tiên sau ba năm rưỡi Triều Tiên đóng cửa để chống Covid-19. Động thái này phản ánh cách tiếp cận cân bằng trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với hai nước láng giềng lớn. Theo đó, Triều Tiên cơ bản theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo

Trước hội nghị thượng đỉnh với Nga, ngày 13-9, Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng ra bờ biển phía đông nước này. Chính phủ Nhật Bản cho biết tên lửa đầu tiên rơi xuống vùng biển nằm ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định, đây là vụ phóng đầu tiên như vậy của Triều Tiên khi ông Kim Jong-un đang công du nước ngoài, qua đó thể hiện mức độ ủy quyền ngày càng tăng và hệ thống kiểm soát tinh tế hơn đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

THƯ LÊ

 

 

 

;
;
.
.
.
.
.