Đằng sau cuộc cải tổ nội các Nhật Bản

.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa tiến hành cải tổ nội các và ban lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, trong đó tỷ lệ nữ giới cao kỷ lục trong nội các là điểm đáng chú ý. Động thái này được kỳ vọng giúp tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho chính quyền ông Kishida trong bối cảnh công chúng lo ngại giá cả tăng cao trong khi lương không tăng và các vấn đề khác.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (hàng đầu, ở giữa) và các thành viên nội các mới sau cuộc cải tổ tại Tokyo ngày 13-9. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (hàng đầu, ở giữa) và các thành viên nội các mới sau cuộc cải tổ tại Tokyo ngày 13-9. Ảnh: AFP

“Biến sự thay đổi thành sức mạnh”

Đây là lần cải tổ nội các thứ hai kể từ khi Thủ tướng Kishida nhậm chức vào tháng 10-2021. Theo Kyodo, 11 trong tổng số 19 bộ trưởng được thay thế để mang lại làn gió mới. Đáng chú ý, nữ nghị sĩ kỳ cựu Kamikawa Yoko trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên trong hai thập niên qua. Ông Kihara Minoru, người từng giữ chức cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Suga Yoshihide, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai gương mặt mới này nhiều khả năng đóng vai trò chủ chốt trong điều hướng chính sách của Nhật Bản với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương bị phủ bóng bởi căng thẳng gia tăng gần đây khi Bắc Kinh phản ứng gay gắt vụ xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Cuộc cải tổ diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ của cử tri đối với chính quyền ông Kishida tiếp tục sụt giảm, một phần do rắc rối liên quan hệ thống căn cước công dân điện tử “My Number” và sự thất vọng của công chúng về giá cả tăng cao trong khi lương không tăng. Để từng bước gỡ các “nút thắt” này, ông Kishida mong muốn: “Nội các mới sẽ biến thay đổi thành sức mạnh”. Theo đó, kinh tế, xã hội, ngoại giao và an ninh sẽ là những trụ cột trong chính sách lãnh đạo. Gói kích thích kinh tế mới sẽ được ban hành vào cuối tháng 10-2023 trong bối cảnh giá cả tăng cao đã kéo theo nhu cầu trong nước giảm sút.

Trong khi đó, những mục tiêu đối ngoại của Nhật Bản sắp tới sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào, tuy nhiên với việc có tân Ngoại trưởng, cách tiếp cận của nước này có thể có sự điều chỉnh, đặc biệt giải quyết vướng mắc với Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên. Ngày 13-9, tân Ngoại trưởng Kamikawa cam kết tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản giữa lúc Tokyo đang đối mặt với nhiều “cơn đau đầu”, trong đó có thách thức không nhỏ trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Quan chức này khẳng định tiếp tục nỗ lực đóng góp “không chỉ cho lợi ích của Nhật Bản mà còn cho hòa bình thế giới” dưới vai trò điều hành của Thủ tướng Kishida. Bà Kamikawa sẽ tới Mỹ tuần tới để dự khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và những cuộc gặp bên lề khác, qua đó đánh dấu sự khởi đầu của bà trên cương vị Ngoại trưởng Nhật Bản tại một trong những diễn đàn quốc tế chủ chốt.

Mục đích cải tổ là gì?

Trong đợt cải tổ trước đó, nội các của Thủ tướng Kishida chỉ thay 50% số thành viên trong khi đợt cải tổ mới nhất này chứng kiến số thành viên được bổ nhiệm mới chiếm đến 2/3, bước đi cho thấy nỗ lực tạo ra làn gió mới để phục hồi uy tín của Chính phủ trước cử tri. Theo khảo sát của NHK, tỷ lệ ủng hộ hiện nay đối với chính quyền ông Kishida chỉ là 36%, thấp hơn nhiều so với lúc mới thành lập.

Theo Kyodo, cuộc cải tổ này được kỳ vọng giúp mở đường cho đảng LDP cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo. Ngoài ra, Thủ tướng Kishida giữ nguyên các vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế cũng như ban lãnh đạo đảng LDP nhằm bảo đảm sự phân bổ quyền lực cân bằng trong đảng. Đây là quyết định đúng hướng giúp ông Kishida giành sự tín nhiệm từ các thành viên trong đảng để tái đắc cử chức chủ tịch LDP vào tháng 9-2024, qua đó đặt nền móng để tiếp tục giữ cương vị thủ tướng. Nhiệm kỳ 4 năm của các hạ nghị sĩ sẽ kết thúc vào tháng 10-2025 nhưng có đồn đoán ông Kishida sẽ giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử sớm một khi tỷ lệ ủng hộ nội các tăng trở lại.

Đáng chú ý, nội các mới có tỷ lệ nữ giới cao kỷ lục, với 5 người đảm nhận vị trí bộ trưởng. Đây là tính toán của ông Kishida nhằm nâng cao uy tín đối với Chính phủ nói chung cũng như tăng cường sự ủng hộ cho bản thân nói riêng. Con số này đánh dấu sự gia tăng so với hai nữ bộ trưởng trong nội các trước đó và bằng với số lượng cán bộ nữ trong nội các dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro vào năm 2001 và cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào năm 2014. Theo giới quan sát, quyết định tăng số cán bộ nữ nhằm thay đổi hình ảnh của đội ngũ điều hành vốn do các chính trị gia nam chiếm ưu thế nhưng khó có thể tạo bước đột phá về bình đẳng giới ở một quốc gia đang gặp khó trong việc bổ nhiệm lãnh đạo nữ trong hầu hết các lĩnh vực. Trong báo cáo hằng năm về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), sự tham gia của phụ nữ Nhật Bản vào chính trị và kinh tế chưa có sự cải thiện khiến nước này tụt từ vị trí thứ 116 trong bảng xếp hạng năm ngoái của WEF xuống vị trí thứ 125 trong tổng số 146 quốc gia trong năm 2023 và ở vị trí thứ 138 về trao quyền chính trị cho phụ nữ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.