G20 vượt qua bất đồng, đạt sự đồng thuận

.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), qua đó cho thấy các bên đạt đồng thuận về nhiều vấn đề then chốt, bất chấp những lo ngại trước đó về chia rẽ lập trường nội bộ.

Theo Reuters, Ấn Độ cho biết, đã có “100% sự đồng thuận từ tất cả các nước” đối với toàn bộ các đoạn trong tuyên bố chung. Sự đồng thuận đến khá bất ngờ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang chi phối sân khấu chính trị thế giới, có khả năng làm gián đoạn sự hợp tác của G20. Đó là cuộc xung đột tại Ukraine và sự tẩy chay mà phương Tây nhằm vào Nga, hay sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc.

Liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định. G20 khẳng định hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm bảo đảm nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.

Ngoài ra, văn kiện cũng tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với kế hoạch hành động phù hợp. Tuyên bố chung nêu rõ mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá. Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về quy định chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử.

G20 cũng kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận Paris cũng như mục tiêu về nhiệt độ”. Văn bản này nêu rõ, việc đạt được mục tiêu đòi hỏi “những hành động có ý nghĩa và hiệu quả”, bao gồm thuế carbon cao hơn, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần năng lượng than. Tuyên bố chung lưu ý, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ cần 5.900 tỷ USD để thực hiện các mục tiêu khí hậu quốc gia. Trong khi đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các nước này cần 4.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030. Tuyên bố chung cũng kêu gọi cải cách Liên Hợp Quốc, phát huy “chủ nghĩa đa phương toàn diện hơn và được tiếp thêm sinh lực để giúp quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn”. Nhận định về tuyên bố chung, Nga cho rằng, văn kiện này phản ánh cân bằng mọi khía cạnh. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, tuyên bố này thể hiện lập trường rõ ràng về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Điểm đáng chú ý của hội nghị lần này là việc các nước G20 đạt đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Đây là sự thừa nhận mạnh mẽ đối với “lục địa đen” khi hơn 50 quốc gia tại đây đang tìm kiếm vai trò quan trọng hơn trên trường thế giới.

Việc tổ chức thành công hội nghị giúp Ấn Độ nâng tầm hình ảnh và vị thế của đất nước. Giờ đây, nước này định hình chính mình là một cực đang lên trong bàn cờ đa cực của thế giới. Ấn Độ cho thấy mình không đứng về phe nào trong căng thẳng địa chính trị mà đang chủ động can dự với các cường quốc để xác lập vị thế của bản thân, đồng thời đóng góp vào hòa bình, tiến bộ của thế giới, góp phần giải quyết các thách thức. Theo CNN, quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tặng các nhà lãnh đạo thế giới những chiếc khăn dệt tay trong khuôn khổ hội nghị là hành động bắt nguồn từ lịch sử và mang tính biểu tượng đối với ông Modi trong bối cảnh nhà lãnh đạo này muốn làm nổi bật phong trào tự do của đất nước trên toàn cầu.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.