Hai điểm đến, một mục tiêu của ông Zelensky

.

Ngày 21-9 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm chớp nhoáng tới Mỹ để gặp người đồng cấp Joe Biden và bất ngờ thăm đồng minh khác vốn không kém phần quan trọng: Canada. Có thể dễ dàng nhận ra, hai điểm đến mà ông Zelensky chọn lựa trong chuyến công du nước ngoài lần này chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất: tranh thủ thuyết phục đồng minh cung cấp thêm viện trợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) bắt tay người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 21- 9. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) bắt tay người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 21- 9. Ảnh: AP

Chuyến công du của ông Zelensky diễn ra trong bối cảnh Ukraine đối mặt với một số lục đục trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) cùng với rạn nứt trong liên minh phương Tây về tương lai viện trợ cho nước này.

Chưa có đột phá về viện trợ mới từ Mỹ

Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ hai của ông Zelensky kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2-2022. Theo Reuters, ngày 21-9, Chính phủ Mỹ công bố gói viện trợ mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, bao gồm bổ sung hệ thống phòng không, đạn pháo, đạn chùm và các loại vũ khí khác. Đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt các đợt viện trợ cho Ukraine với tổng trị giá hơn 100 tỷ USD. Thậm chí, số tiền Mỹ chi ra mỗi năm để hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã vượt quá tổng số tiền họ chi trong chiến dịch Afghanistan kéo dài suốt hơn 12 năm.

Điểm nhấn trong chuyến công du của ông Zelensky dường như là “cái bắt tay” với chính quyền Mỹ để thiết lập hệ sinh thái phòng thủ chung, trong đó sản xuất vũ khí chung, bước đệm cho phép Kiev bắt đầu sản xuất hệ thống phòng không trong tương lai. Thỏa thuận dài hạn mà ông Zelensky ngợi ca mang tính lịch sử này sẽ tạo thêm nhiều việc làm và cơ sở công nghiệp mới ở Ukraine trong bối cảnh nền kinh tế đang “co rút” nghiêm trọng do xung đột. Washington dự định tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong dài hạn, gồm thông qua quan hệ đối tác với cơ sở công nghiệp - quốc phòng của Kiev. Hai bên sẽ tổ chức hội nghị vào mùa thu với sự tham gia của đại diện ngành công nghiệp quốc phòng để thảo luận thành lập liên doanh sản xuất quốc phòng chung. Bộ Công nghiệp Chiến lược, cơ quan giám sát việc sản xuất vũ khí ở Ukraine, ký thỏa thuận hợp tác với ba hiệp hội vốn hợp nhất hơn 2.000 công ty quốc phòng Mỹ để thúc đẩy dự án tham vọng này.

Kiev sẽ sớm tổ chức diễn đàn sản xuất vũ khí quốc tế, với sự tham gia của các công ty từ hơn 20 quốc gia. Nước này cũng tán thành dự án hợp tác với các nhà sản xuất Trung Âu để sửa chữa xe tăng và các phương tiện khác của Ukraine, đồng thời phát triển sản xuất máy bay không người lái và tên lửa.

Lô xe tăng Abrams đầu tiên từ Mỹ sẽ đến Ukraine vào tuần tới. Tuy nhiên, bất chấp lời thúc giục mạnh mẽ từ Ukraine, Washington sẽ không gửi hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) song vẫn để ngỏ khả năng cung cấp thiết bị này trong tương lai. Chuyến thăm của ông Zelensky lần này đối mặt với những thay đổi trong bối cảnh chính trị tại Mỹ. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ về ngân sách có thể khiến gói hỗ trợ 24 tỷ USD cho Kiev đứng trước nguy cơ tắc nghẽn.

Trông đợi sự hỗ trợ nhiều hơn từ Canada

Sau chuyến thăm Mỹ chớp nhoáng, tối 21-9, Tổng thống Zelensky bất ngờ đến Canada để vận động thêm sự ủng hộ từ đồng minh thân cận này. Đây là chuyến thăm Canada đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đáng chú ý, tại đây, ông được chào đón nồng nhiệt hơn những gì ông nhận được từ một số chính trị gia Mỹ vốn đang nghi ngờ về việc cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Trái ngược với chuyến thăm Mỹ, ngày 22-9, ông Zelensky có cơ hội phát biểu trước Quốc hội Canada để kêu gọi nước Bắc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí, xe tăng và huấn luyện cho binh lính Ukraine. Cùng ngày, ông Zelensky hội đàm chính thức với  Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong đó hai bên ký thỏa thuận nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế song phương. Sau đó, ông Zelensky tới Toronto để gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Canada để kêu gọi thêm nguồn đầu tư của khu vực tư nhân vào Ukraine. 

Theo giới quan sát, chuyến thăm Canada của ông Zelensky có phần “dễ thở” hơn bởi  Canada là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine và hứa hẹn gửi thêm vũ khí cho Kiev. NDTV dẫn lời ông Ihor Michalchyshyn, Giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang Quốc hội Canada, cho biết, Canada có tầm ảnh hưởng lớn với tư cách thành viên của nhóm G7 và NATO; đồng thời lưu ý, tất cả đảng chính trị Canada đều ủng hộ Ukraine. Ngoài ra, Canada là một trong những quốc gia có tỷ lệ người gốc Ukraine cao nhất thế giới, với khoảng 1,4 triệu người, đứng sau Nga. Kể từ tháng 1-2022, nước Bắc Mỹ cung cấp hơn 4,95 tỷ USD hỗ trợ tài chính và 1,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Phản ứng của Nga
TASS dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Washington thông qua kênh Telegram ngày 21-9 nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Washington nhận ra sự vô ích của việc không ngừng chuyển các gói viện trợ cho Kiev. Những nỗ lực của phương Tây không thể thay đổi tình hình trên thực địa. Thay vào đó, chúng sẽ dẫn đến việc kéo dài thêm cuộc xung đột... Hoạt động quân sự đặc biệt (của Nga) sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn toàn đạt được các mục tiêu đã nêu”.  Tuyên bố được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ thông báo gói viện trợ quân sự 325 triệu USD cho Ukraine.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.