Gần đây, nhiều nơi trên thế giới “quay cuồng” trong lũ lụt nghiêm trọng khi hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trải qua thảm họa này chỉ trong 12 ngày. Libya là nước chịu cảnh đau thương nhất với tổng cộng hàng chục ngàn người chết và mất tích trong trận “đại hồng thủy” và còn chặng đường dài phía trước để khắc phục hậu quả. Thực trạng báo động này làm dấy nỗi lo: Đã đến lúc nhân loại phải “làm quen” với cảnh thời tiết cực đoan đang dần phổ biến?
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả của thảm họa lũ lụt ở Libya. Ảnh: AP |
Số người thiệt mạng có thể lên đến 20.000?
Theo AP, một tuần sau khi “bức tường nước” tràn qua thành phố ven biển Derna ở miền đông Libya gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, tổng số người thiệt mạng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Theo Bộ Y tế của chính quyền miền đông nước này, gần 3.200 người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo báo cáo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 17-9, số người chết chỉ riêng ở Derna đã vượt mốc 11.300 trong khi 10.100 người khác vẫn đang mất tích trong thành phố hoang tàn này. Giới chức nhận định, số người chết có thể vượt ngưỡng 20.000 khi hy vọng tìm thấy nạn nhân sống sót dần tắt và nỗ lực cứu hộ chuyển sang tập trung vào khắc phục thiệt hại.
Viện trợ quốc tế từ LHQ, châu Âu và Trung Đông đang đổ xô đến quốc gia Bắc Phi này để hỗ trợ khắc phục hậu quả trận lũ lụt kinh hoàng này. Ngày 15-9, Times of Malta đưa tin, đội cứu hộ từ Cục Bảo vệ dân sự Malta phát hiện ra “bờ biển chết” ở Địa Trung Hải với hàng trăm thi thể trôi dạt. Một số quốc gia đã điều động lực lượng cứu hộ sang trợ giúp Lybia, trong đó có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Tunisia, Algeria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Pháp.
Dù cơn lũ đã đi qua nhưng Libya giờ đây đứng trước nỗi ám ảnh “khủng hoảng chồng khủng hoảng”. Theo đó, bên cạnh “cơn khát” nguồn viện trợ, tình trạng hàng nghìn thi thể bị chôn vùi dưới bùn đất, trôi dạt trên bờ biển sau trận lũ quét, gây lo ngại về dịch bệnh quy mô lớn bùng phát. Thành phố Derna với khoảng 100.000 dân này cũng cần các đội chuyên thu thập những thi thể nằm rải rác trên đất liền và trên biển để tránh thảm kịch dịch bệnh xảy ra.
LHQ cũng cho biết, trong khi hàng ngàn người mất nhà cửa đang di chuyển đến nơi cư trú khác, rủi ro đến từ địa lôi và vật liệu nổ trong chiến tranh (ERW) để lại sau nhiều năm xung đột để lại tăng đáng kể do nước lũ đã cuốn trôi số vật liệu nguy hiểm này. Trong khi đó, gần 300.000 trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và mất nước.
Khi điều bất thường trở nên... bình thường
Trong khi mọi sự chú ý dổ dồn về Libya khi thảm họa lũ lụt vượt sức tưởng tượng và khả năng chống chịu của nước này, gần 10 quốc gia khác trải dài ở 4 châu lục cũng hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan này. Tuần qua, Denial, một trong những cơn bão mạnh nhất ở châu Âu từ trước đến nay, gây lũ lụt nghiêm trọng tại hàng loạt nước như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, khiến hàng chục người chết.
Trong khi đó, dù quy mô tàn phá và thiệt hại về người ở châu Á nhỏ hơn nhưng khu vực này cũng ghi nhận những cơn bão có sức tàn phá chưa từng có. Hai cơn bão đua nhau càn quyét khu vực chỉ cách nhau vài ngày trong tuần đầu tiên của tháng 9-2023, gây thiệt hại trên diện rộng tại nhiều khu vực khác ở Trung Quốc. Theo chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc), bão gây lượng mưa theo giờ cao nhất kể từ năm 1884.
Cũng trong khoảng thời gian này, châu Mỹ cũng không tránh khỏi cơn tức giận của thiên nhiên khi nhiều khu vực chìm trong biển nước. Brazil ghi nhận hơn 30 người chết vào tuần trước do mưa lũ ở bang Rio Grande do Sul. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất xảy ra tại bang này trong 40 năm. Tại Mỹ, hơn 70.000 người dự sự kiện văn hóa Burning Man ở sa mạc bang Nevada mắc kẹt khi mưa lớn biến nơi đây thành vùng bùn lầy.
Các nhà khoa học cảnh báo, lũ lụt gây sức tàn phá nghiêm trọng tại các quốc gia có thể ngày càng trở nên phổ biến khi khủng hoảng khí hậu gia tăng. CNN dẫn lời ông Jung-Eun Chu, nhà khoa học về khí quyển và khí hậu tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu thực sự làm thay đổi các đặc tính của lượng mưa về tần suất, cường độ và thời gian”. Con số thiệt hại khổng lồ do lũ lụt cũng lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất đối với chính phủ các nước trong công tác chuẩn bị ứng phó với thực tế này, trong đó các nước nghèo và những nơi đang diễn ra xung cần phải chủ động ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống thảm họa khí hậu.
AP dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang tăng cường vòng tuần hoàn nước của hành tinh. Nhiệt độ ấm hơn làm tăng lượng nước bốc hơi, có nghĩa là bầu không khí ấm hơn có thể giữ được nhiều hơi ẩm hơn. Kết quả là khi có bão, nó có thể gây ra lượng mưa dữ dội hơn và do đó gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu đã quan sát những thay đổi đó trong thời gian thế giới ấm lên. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, kể từ năm 1901, lượng mưa toàn cầu tăng với tốc độ trung bình 1mm/thập niên. |
THƯ LÊ