Nga thúc đẩy mạnh mẽ chính sách hướng Đông

.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) diễn ra tại thành phố Vladivostok (Nga) từ ngày 10 đến 13-9 tạo nền tảng quan trọng để Nga thúc đẩy chính sách hướng sang phương Đông.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 13-9 tại thành phố Vladivostok (Nga). Ảnh: Spunik
Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 13-9 tại thành phố Vladivostok (Nga). Ảnh: Spunik

Sự kiện này cũng là nơi đưa ra các ý tưởng, sáng kiến đến hình thành khu vực kinh tế phát triển năng động tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Phát huy vai trò đòn bẩy của Viễn Đông

Theo Sputnik, với chủ đề “Con đường dẫn tới quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng”, EEF 2023 phản ánh mong muốn của Nga trong nỗ lực tạo lập quan hệ mang tính xây dựng với tất cả đối tác nước ngoài quan tâm. Điều này cũng cho thấy Nga hoàn toàn cởi mở trong đối thoại toàn diện về vấn đề cấp bách của khu vực, và có ý định tiếp tục tham gia tích cực vào nỗ lực nuôi dưỡng quan hệ giữa các nước ở châu Á - Thái Bình Dương và đóng góp duy trì hệ thống dựa trên sự bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng, vì lợi ích chính đáng của mọi người.

Với diện tích đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nằm trong châu Á - Thái Bình Dương với nhiều quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, rõ ràng vùng Viễn Đông có thể đóng vai trò đòn bẩy để Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, đẩy mạnh phát triển vùng này, qua đó tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của Nga. Không ngẫu nhiên mà từ lâu Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ phát triển Viễn Đông, đưa vùng này và toàn bộ vùng Siberia về lâu dài trở thành trung tâm của nước Nga về hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế, thu hút nhân lực và đầu tư.

Thông qua việc đưa Viễn Đông trở thành cầu nối về kinh tế, năng lượng, giao thông vận tải... giữa Nga với châu Á, Nga đang thúc đẩy mục tiêu hội nhập hiệu quả giữa vùng Viễn Đông với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, địa bàn mà Nga vẫn xem là có ý nghĩa chiến lược quan trọng và là trụ cột trong chính sách hướng Đông. EEF là điểm hẹn truyền thống nhằm tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng vùng Viễn Đông và tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.

Mở rộng các mối quan hệ ở châu Á-Thái Bình Dương

Theo Sputnik, EEF 2023 tập trung vào những triển vọng mở rộng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, xác định các cách thức để tạo ra các chuỗi sản xuất và hậu cần mới, hiệu quả cao, hiện đại hóa hệ thống giao thông và năng lượng, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và môi trường trong khu vực. Theo Global Times, hợp tác Trung-Nga, đặc biệt là hợp tác khu vực giữa các tỉnh đông bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga, sẽ là điểm nhấn của diễn đàn.

Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động vô cùng phức tạp, khó lường, chủ nghĩa đa phương đang từng bước trở thành xu hướng tất yếu của thời đại, nhất là khi Nga đang phải đối mặt với “bão trừng phạt” từ  phương Tây chưa từng có trong lịch sử đương đại. Trong thông điệp gửi EEF 2023, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tham gia tích cực các nỗ lực nhằm xây dựng các mối quan hệ ở châu Á-Thái Bình Dương và góp phần vào hệ thống dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, ông cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc thiết lập các chuỗi logistics mới và bảo đảm an ninh lương thực ở châu Á-Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu này, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, điều quan trọng là cần xác định các phương thức để thiết lập những chuỗi logistics và chuỗi sản xuất mới có hiệu quả cao.

Có thể nói, trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị hiện nay, nhất là khi dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Nga với khu vực châu Âu đang bị “tắt nghẽn” nghiêm trọng do cuộc xung đột ở Ukraine, EEF 2023 là sự kiện hết sức quan trọng để nước Nga thúc đẩy chính sách hướng sang phương Đông một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó đáng chú ý là tốc độ trao đổi hàng hóa, dầu khí, lương thực, thực phẩm giữa Nga với các nước khu vực châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á... tăng nhanh chưa từng có. Sự kiện này cũng là nơi để các đại biểu tham gia diễn đàn đưa ra các ý tưởng, sáng kiến cụ thể cho quá trình hình thành một khu vực kinh tế phát triển đầy năng động tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

EEF là diễn đàn có uy tín quốc tế cao và tạo cơ hội quan trọng cho các doanh nhân, chính trị gia, người của công chúng và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới tham gia đối thoại trực tiếp. EEF 2023 thu hút sự tham gia của khoảng 7.000 đại biểu là chính khách, các nhà quản lý, nhà khoa học,  doanh nghiệp... ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác trên thế giới.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.