Ngành chip Trung Quốc tìm cách thay thế linh kiện Mỹ

.

Nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đang khẩn trương hợp tác với các đối tác trong nước để sử dụng hoàn toàn các thiết bị nội địa thay thế các linh kiện của Mỹ trong các sản phẩm do công ty này sản xuất. Nỗ lực nội địa hóa của YMTC được xem là “vấn đề sinh tử” sau khi công ty nhận được khoản tăng vốn 7 tỷ USD từ các nhà đầu tư được Nhà nước hậu thuẫn vào đầu năm nay.

SCMP dẫn các nguồn tin cho biết, Công ty YMTC có trụ sở tại Vũ Hán gần đây đã tăng cường thảo luận và hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Trung Quốc, trong đó có một công ty lớn có trụ sở tại Bắc Kinh, để phát triển và sản xuất các bộ phận thay thế cho các linh kiện quan trọng do Công ty Lam Research (Mỹ) sản xuất mà YMTC đã sử dụng rộng rãi trong thiết bị của mình.

Lam Research ngừng cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các khách hàng có trụ sở tại Trung Quốc đại lục sau khi Mỹ ban hành lệnh kiểm soát xuất khẩu mới vào tháng 10-2022, nhắm vào ngành bán dẫn Trung Quốc. YMTC bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” thương mại tháng 12-2022. Động thái này khiến YMTC gặp khó khi không có linh kiện để phục vụ sản xuất trong khi nhiều bộ phận của thiết bị bán dẫn cần được bảo trì và thay thế thường xuyên. Trong số rất nhiều linh kiện cần thay thế tại YMTC phải kể đến mâm cặp tĩnh điện vốn là những công cụ được sử dụng để giữ các lát bán dẫn mỏng, được gọi là tấm bán dẫn, trong quy trình sản xuất chip. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường về chip nhớ giảm, công ty phải cắt giảm việc làm cũng như các khoản đầu tư thiết bị. Tình hình khả quan trở lại sau khi YMTC nhận được khoản tăng vốn trị giá 7 tỷ USD từ các nhà đầu tư do Nhà nước hậu thuẫn, trong đó có Quỹ Đầu tư công nghiệp quốc gia về mạch tích hợp của Trung Quốc vào tháng 3-2023.

Trước đó, tại hội thảo ngành bán dẫn Trung Quốc tại Thượng Hải tháng 6-2023, Chủ tịch YMTC Chen Nanxiang cho rằng, lĩnh vực chip toàn cầu đang đối mặt với nhiều sóng gió. Những lo ngại về địa chính trị và an ninh quốc gia của một số nước đang đe dọa đến quá trình toàn cầu hóa của lĩnh vực sản xuất chip thế giới vốn đang trong giai đoạn đầy biến động. Động thái của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với công nghệ sản xuất chip tiên tiến đã thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn hợp tác chặt chẽ hơn với nhau và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Chẳng hạn như gần đây, “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies sử dụng chip 7-nanomet do Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn quốc tế có trụ sở tại Thượng Hải sản xuất trong điện thoại thông minh Mate 60 Pro. Đây được cho là bước đột phá về công nghệ bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

SCMP dẫn lời các nguồn tin cho biết, YMTC đã đạt bước tiến mới trong sản xuất chip nhớ 3D NAND, sử dụng thiết bị do chính các đối tác trong nước làm ra thay vì phụ thuộc nước ngoài. Thị phần toàn cầu của YMTC trong lĩnh vực NAND được ước tính là khoảng 6%, theo ghi chú được công ty quản lý tài sản Bernstein công bố vào tháng 10-2022. YMTC cũng từng thách thức các “ông lớn” của ngành chip thế giới như Samsung, SK Hynix và Micron Technology khi “trình làng” chip nhớ 232 lớp X3-9070.

YMTC thời gian qua đã tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp trong nước để sản xuất chip nhớ dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0 của mình. Dự án mang tên Wudangshan đang đi đúng tiến độ. YMTC đã đề nghị các nhà cung cấp nội địa xóa logo cũng như các dấu hiệu nhận biết trên thiết bị để giảm thiểu rủi ro bị Mỹ trừng phạt. Theo kế hoạch, YMTC sẽ dùng toàn bộ thiết bị từ các công ty nội địa thay vì nguồn nước ngoài để bắt đầu sản xuất dòng chip tiên tiến từ năm 2024. Nếu thành công, chiến lược này sẽ đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự cung tự cấp chất bán dẫn trong bối cảnh Mỹ vẫn tìm cách hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với các công nghệ sản xuất chip tiên tiến do lo ngại về an ninh quốc gia.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.