Phép thử tình đoàn kết trong EU và quan hệ với Ukraine

.

Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước bài kiểm tra khó nhằn về sự đoàn kết ngay trong nội bộ khối này cũng như tương lai nguồn viện trợ của khối dành cho Ukraine. Trong diễn biến mới nhất, Ukraine đang tiến hành thủ tục pháp lý để kiện Ba Lan, Slovakia và Hungary tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc các nước này đã bất chấp yêu cầu của lãnh đạo EU để đơn phương duy trì lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine nhằm bảo vệ thị trường và nông dân trong nước.

“Hành động đơn phương của các nước thành viên EU trong lĩnh vực thương mại không thể chấp nhận được. Điều quan trọng là phải chứng minh hành động này sai về mặt pháp lý. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu các thủ tục để kiện lên WTO. Kiev muốn cả thế giới xem cách các nước thành viên EU này cư xử với đối tác thương mại và liên minh của họ”, đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka nói với Politico ngày 18-9, đề cập ba nước thành viên EU gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia vốn nằm ở sườn phía đông của “lục địa già”. Kiev gần đây liên tục tố cáo các lệnh cấm đơn phương này đi ngược lại tinh thần đoàn kết của EU đối với nước này. Hiện, thương nhân Ukraine phải chịu thêm chi phí vận chuyển và gặp khó trong thực hiện hợp đồng nước ngoài do tác động của lệnh cấm.

Trước đó, tháng 5-2023, EU áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu vào 5 nước láng giềng Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để bảo vệ nông dân địa phương. Theo đó, các loại nông sản xuất khẩu Ukraine chỉ được phép đi qua lãnh thổ các nước láng giềng khi chúng được bán ở nơi khác. Lệnh hạn chế của EU hết hạn ngày 15-9. Đổi lại, Ukraine cam kết thắt chặt kiểm soát thương mại và tránh tăng đột biến về sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này làm phật ý Ba Lan, Hungary và Slovakia và họ nhanh chóng tuyên bố đơn phương áp đặt lệnh cấm ở cấp quốc gia, một kịch bản rất thiếu phối hợp mà bộ máy lãnh đạo EU muốn tránh bằng mọi giá.

Điều đáng nói, lệnh cấm bổ sung của Hungary chủ yếu mang tính biểu tượng do Ukraine không xuất khẩu nhiều thịt sang nước này nhưng biện pháp “kéo dài vô thời hạn” của Ba Lan ảnh hưởng rất lớn hàng xuất khẩu của Ukraine. Đó là lý do Kiev cảnh báo có động thái trả đũa và sẽ cấm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Ba Lan.

Tuy nhiên, trước việc động thái cứng rắn của Ukraine, các nước Ba Lan, Hungary và Slovakia cũng tính toán các bước đi đáp trả. PAP dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 18-9 cho biết: “Ba Lan, Hungary và Slovakia đang rút khỏi Diễn đàn điều phối về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang thị trường châu Âu do sự thận trọng, cũng như thực tế là Ukraine có thể sử dụng thông tin từ Diễn đàn để chống lại ba quốc gia trong vụ kiện lên trọng tài WTO”. Quyết định của Ba Lan, Hungary và Slovakia làm nảy sinh tranh chấp kéo dài giữa họ và Brussels, ảnh hưởng đến đoàn kết nội khối. Đặc biệt, tuyên bố cứng rắn của Ukraine cũng một lần nữa khơi dậy sự bất đồng vốn đang âm ỉ gần đây giữa nước này và Ba Lan, một trong những đồng minh thân thiết của mình.

Xung đột bùng nổ hồi tháng 2-2022 đã tước đi vai trò của Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Sau khi con đường vận chuyển qua Biển Đen bị hạn chế do xung đột, nước này không còn cách nào khác phải chủ yếu dựa vào tuyến xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng. Do đó, làn sóng ngũ cốc Ukraine giá rẻ tràn vào các nước EU láng giềng đã gây tình trạng khủng hoảng giá cả nông nghiệp ở những nước này, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nông dân và doanh nghiệp.

Chưa rõ WTO sẽ xử lý vụ kiện nói trên như thế nào cũng như thiệt hại và rủi ro đối với an ninh lương thực toàn cầu nhưng cách EU xử trí vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine là bước thử nghiệm đầu tiên trong vô số phép thử đầy thách thức sắp tới về sự hỗ trợ của khối này dành cho Ukraine trong bối cảnh xung đột vẫn chưa đến hồi kết. Cuối năm nay, 27 nước thành viên EU phải quyết định về số phận gói viện trợ kinh tế trị giá khoảng 53 tỷ USD cho Ukraine và đề xuất hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 21 tỷ USD.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.