Thế giới đơn cực đến hồi kết?

.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự thế giới đơn cực hình thành với việc Mỹ giữ vai trò chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trật tự thế giới đơn cực mà trong đó chỉ có một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định, đã tác động rất lớn tới nền an ninh của tất cả chủ thể nằm trong khuôn khổ của hệ thống đơn cực đó.

Ngược dòng thời gian, tại hội nghị An ninh quốc tế ở Munich (Đức) năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét, trong thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được và nói chung không có lý do và cơ sở pháp lý để tồn tại bởi lẽ quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực trong thế giới hiện đại không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị - quân sự và kinh tế cũng như uy tín để thực hiện vai trò đó. Điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành vì trong nền tảng của nó không có và không thể có đủ cơ sở cho nền văn minh hiện đại.

Trong khi đó, Nga từng bước vượt qua khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã, phục hồi vị thế là cường quốc kinh tế và quân sự. Theo thông tin do Ngân hàng Thế giới và các cơ quan thống kê do Sputnik phân tích và công bố vào tháng 5-2023, Nga đã trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 2014 và lần đầu tiên xếp thứ 8, với sản lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của Nga đạt giá trị 2.300 tỷ USD trong năm 2022.

Bên cạnh đó, nước này đóng vai trò quan trọng nhiều lĩnh vực chiến lược của kinh tế thế giới, trước hết là năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về nhiều phương diện ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Kinh tế của nước này đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, sau Mỹ. Bên cạnh sức mạnh kinh tế hiện có, Trung Quốc cũng nổi lên với tư cách cường quốc chính trị tham gia giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của thế giới. Thực tế, Mỹ vẫn phải cần sự đồng hành của Trung Quốc và Nga để cùng giải quyết nhiều vấn đề “nóng” khu vực và quốc tế, trong đó có mục tiêu hướng đến phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của Iran.

Đặc biệt, cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự gia tăng hợp tác giữa Bắc Kinh với Moscow, hay hàng loạt những nhân tố mới xuất hiện từ các diễn đàn cấp cao ở Nga, hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Nam Phi đã nhanh chóng làm thay đổi nhận thức về vai trò dẫn dắt lâu nay cùng những thách thức mạnh mẽ đối với Mỹ và đòi hỏi có không gian rộng lớn, đa dạng hơn để hoạch định các chính sách, cùng hành động và cùng phát triển. Hay nói cách khác, trật tự thế giới cần phải thay đổi theo mô hình đa cực!

Đáng chú ý, ngày 13-9, phát biểu tại Đại học John Hopkins ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phần nào thừa nhận thực tế không thể đảo ngược nói trên. “Ngày nay, chúng ta đang ở cuối thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Một số giả định cốt lõi hình thành nên cách tiếp cận của chúng ta đối với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh không còn đúng nữa và hàng thập kỷ tương đối ổn định về địa chính trị đã nhường chỗ cho sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc”, website của trường đại học này dẫn lời ông Blinken cho biết.  Quan chức này cũng cho rằng, những thách thức hiện hữu như xung đột Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực thực sự là những vấn đề quá lớn khiến Mỹ khó có thể tự mình giải quyết và do đó tăng cường hợp tác với các nước khác quan trọng hơn bao giờ hết.

Rõ ràng, trong cục diện thế giới hiện nay, nếu công nhận quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia có quyền bình đẳng thì không thể chấp nhận ưu thế áp đảo của một quốc gia nào đó so với các quốc gia còn lại. Cũng không thể chấp nhận một quốc gia nào đó áp đặt thể chế của họ cho một nước khác. Để duy trì thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi thì các quốc gia cần thực hiện tinh thần như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 13-9 trong cuộc họp báo trước thềm tuần lễ cấp cao khóa họp 78 Đại hội đồng LHQ rằng: “Chính trị là thỏa hiệp. Ngoại giao là thỏa hiệp. Lãnh đạo hiệu quả là thỏa hiệp”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.