Trung Quốc muốn mở rộng quy mô cấm iPhone?

.

Ngày 8-9, Bloomberg cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng lệnh cấm sử dụng điện thoại iPhone của hãng Apple (Mỹ) từ các cơ quan có tính chất nhạy cảm sang cả các cơ quan do chính phủ quản lý và các công ty quốc doanh.

Pano quảng cáo điện thoại iPhone dành cho khách hàng Trung Quốc.  Ảnh: Yahoo News
Pano quảng cáo điện thoại iPhone dành cho khách hàng Trung Quốc. Ảnh: Yahoo News

Mặc dù tới nay những nguồn tin chính thức từ Trung Quốc về lệnh cấm iPhone vẫn chưa thật rõ ràng song báo chí Mỹ đã đưa tin nhiều về động thái này. Giá cổ phiếu của Apple giảm 3,58%, còn 182,91 USD trong phiên giao dịch ngày 6-9 ở Mỹ, cũng là cổ phiếu có mức sụt giảm tồi tệ nhất trong Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ngay sau thông tin này.

Apple đối mặt thách thức lớn

Theo Bloomberg, nhiều cơ quan tại Trung Quốc bắt đầu có thông báo yêu cầu nhân viên không mang điện thoại iPhone đến công sở. Thông tin này một lần nữa xác nhận bản tin trước đó của Wall Street Journal (WSJ) về sự việc. Theo đó, WSJ cho biết, nhiều nhân viên tại một số cơ quan quản lý trung ương Trung Quốc nhận hướng dẫn trong các group chat và tại các cuộc họp về việc không được mang thiết bị điện tử của Apple tới văn phòng. WSJ cũng cho biết họ chưa rõ quy mô của các lệnh cấm như vậy tới mức nào.

Một số nguồn tin của Bloomberg cho biết, Bắc Kinh dự định mở rộng lệnh cấm iPhone sang các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức do chính phủ kiểm soát. Nếu Trung Quốc xúc tiến kế hoạch này, lệnh cấm chưa từng có tiền lệ này sẽ trở thành điểm cao trào đáng chú ý sau một quá trình kéo dài suốt nhiều năm nhằm loại bỏ công nghệ nước ngoài khỏi các môi trường nhạy cảm. Đây cũng là minh chứng nữa cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giảm lệ thuộc vào phần mềm cũng như phần cứng của Mỹ. Dĩ nhiên động thái của Trung Quốc cũng hé lộ nguy cơ “ông lớn” Apple có thể sớm chứng kiến sự sa sút tại thị trường lớn nhất thế giới của mình, nơi mang lại tới khoảng 1/5 doanh thu.

Cho tới nay, chưa biết có bao nhiêu cơ quan, doanh nghiệp sẽ tuân thủ quy định cấm iPhone. Và cũng chưa có bất cứ một văn bản thông báo chính thức nào của Bắc Kinh về việc này. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, các doanh nghiệp và tổ chức thuộc nhà nước sẽ có các mức độ tuân thủ lệnh cấm khác nhau tùy theo từng đơn vị. Một số sẽ cấm các thiết bị của Apple tại công sở, trong khi số khác có thể cấm nhân viên sử dụng chúng hoàn toàn.

Đại diện của Apple chưa phản hồi về thông tin Trung Quốc cấm iPhone. Ngày 7-9, cổ phiếu của Apple tiếp tục giảm 2,9% tại New York. Ngay cả cổ phiếu của Công ty STMicroelectronics NV, nhà cung cấp lớn của Apple, cũng giảm. Không thể phủ nhận việc Apple có sự lệ thuộc rất lớn và thị trường Trung Quốc, cả về phương diện đối tác sản xuất cũng như thị trường cho sản phẩm. Trong kết quả doanh thu quý gần nhất của “Quả táo”, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường mang lại kết quả tốt nhất cho họ. Apple đang chuẩn bị ra mắt các mẫu iPhone mới nhất vào tuần tới.

Trung Quốc đã tự chủ hơn về công nghệ?

Ở Trung Quốc, Apple là thương hiệu rất được ưa chuộng bất kể cuộc chiến công nghệ leo thang với Mỹ thời gian qua. Washington liên tục áp dụng chính sách trừng phạt, kiềm tỏa công nghệ của Trung Quốc. Điện thoại iPhone là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Apple tại Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi ở cả khối chính phủ và tư nhân.

Tuy nhiên, đã có thông tin rất đáng chú ý đã được truyền thông loan tin gần như đồng thời với tin về lệnh cấm. Tuần qua, hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc) ra mắt mẫu smartphone có sử dụng con chip tân tiến nhất được sản xuất tại Trung Quốc, đánh dấu cột mốc thành tựu sau nhiều năm tháng nỗ lực phát triển công nghệ nội địa của nước này. 

Thông tin vừa nêu gây chấn động với cả hai bờ Thái Bình Dương. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi sự kiện của Huawei như đột phá mới cho thấy những chiến thắng bước đầu của Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ trong suốt thời gian qua đối với nhiều doanh nghiệp công nghệ của họ như Huawei, ZTE…

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm nhiều biện pháp để hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn tân tiến nhất cho Trung Quốc. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp. bị kiểm soát rất chặt trong việc cung cấp linh kiện cho Huawei, công ty vốn bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Từng có tiền lệ
Năm 2022, Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan chính phủ và các công ty do nhà nước bảo trợ phải thay thế các máy tính cá nhân do nước ngoài sản xuất bằng các máy tính nội địa trong lộ trình thay thế hai năm. Đó là một trong những nỗ lực quyết đoán nhất của Trung Quốc trong việc loại bỏ các công nghệ quan trọng của nước ngoài khỏi các tổ chức nhạy cảm của họ.

 

;
;
.
.
.
.
.