Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thở phào khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn kịch bản Chính phủ đóng cửa ngay trước “giờ G”, trái ngược với dự đoán trước đó của truyền thông. Giờ đây, khi nguy cơ đã qua, sự chú ý lại đổ dồn vào tương lai chiếc ghế quyền lực của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đề xuất dự luật này, cũng như nguồn viện trợ cho Ukraine.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu tại Điện Capitol sau khi Hạ viện thông qua dự luật tài trợ tạm thời ngăn Chính phủ đóng cửa. Ảnh: Reuter |
Nhượng bộ phút chót
Theo Reuters, ngày 30-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden ký ban hành đạo luật ngân sách ngắn hạn giúp Chính phủ có nguồn tài chính để hoạt động đến ngày 17-11 sau sự chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện.
Trước đó cùng ngày, trong nỗ lực phút chót nhằm tránh viễn cảnh Chính phủ phải đóng cửa một phần, Thượng viện thông qua dự luật một cách áp đảo với số phiếu 88 thuận - 9 chống, ngay sau khi dự luật này vượt “ải” Hạ viện với tỷ lệ 335 thuận - 91 chống. Việc lưỡng đảng Quốc hội thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn sẽ giúp hai bên có đủ thời gian để tiếp tục đàm phán và thỏa hiệp về toàn bộ 12 dự luật ngân sách cho cả năm tài khóa 2024.
Đáng chú ý, dự luật này do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa đề xuất. Trước đó, sau những ngày hỗn loạn tại Hạ viện, ông McCarthy đột ngột từ bỏ các yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ từ một số đảng viên cánh hữu có đường lối cứng rắn, thay vào đó ủng hộ việc thông qua dự luật nhằm cấp ngân sách tạm thời này. Theo giới quan sát, việc đề xuất dự luật cho thấy nỗ lực nhượng bộ phút chót của ông McCarthy để cứu nguy cho Chính phủ nhưng cũng khiến nhiều mũi dùi chỉ trích nhắm vào chính trị gia này.
Reuters cho biết, ông McCarthy có thể bị những nhân vật theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa tại Hạ viện “lật đổ” sau khi Chính phủ Mỹ tạm thoát nguy cơ đóng cửa bởi trước đó họ tuyên bố sẵn sàng để Chính phủ đóng cửa cho đến khi Quốc hội đàm phán xong toàn bộ 12 dự luật cho năm tài khóa tới.
ưHạ nghị sĩ Ralph Norman theo đường lối bảo thủ ví von việc ông McCarthy “quay ngoắt 180o” như vậy chẳng khác gì “sự đầu hàng” trước đảng Dân chủ của chính quyền Tổng thống Biden. Một người khác, nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz, cũng chỉ trích: “Nếu McCarthy sử dụng phiếu bầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện để thúc đẩy ưu tiên chi tiêu của Tổng thống Biden thì ông ấy không thể là Chủ tịch Hạ viện nữa”.
Viện trợ cho Ukraine bị “đóng băng”
Dù dự luật được giới chức Mỹ ca ngợi là “tin tốt cho người dân Mỹ” nhưng rõ ràng đây không chỉ là đòn giáng đối với Tổng thống Biden mà còn với cả người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bởi khoản viện trợ tăng cường cho Ukraine bị loại bỏ khỏi dự luật. Điều này đồng nghĩa với việc gói viện trợ bổ sung trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine, vốn chỉ gần bằng 1/3 con số mà Nhà Trắng yêu cầu đã bị “đóng băng”. Thực tế này tiếp tục đặt câu hỏi về quyết tâm chính trị của Washington trong việc giữ lời hứa tiếp tục viện trợ cho Kiev, đặc biệt sau khi ông Zelensky vừa có chuyến công du chớp nhoáng đến Mỹ để huy động thêm sự hỗ trợ.
Theo CNN, trang bị vũ khí và tài trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột của nước này với Nga là một trong những chính sách ưu tiên hiện nay đối với chính quyền Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng: “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”.
Ông Biden cũng mong đợi ông McCarthy sẽ giữ cam kết của mình đối với người dân Ukraine và bảo đảm việc thông qua sự hỗ trợ cần thiết về kinh tế và an ninh để giúp Ukraine vào thời điểm quan trọng này. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp Mỹ vẫn thừa nhận rằng việc giành được sự chấp thuận về sự hỗ trợ cho Ukraine tại Quốc hội Mỹ ngày càng khó khăn hơn khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Đáng chú ý, sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với viện trợ đã và đang có động lực mạnh dần lên trong Quốc hội nước này.
Trước cuộc bỏ phiếu về dự luật ngày 30-9, các quan chức Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại về khả năng không có thêm nguồn tài trợ cho Ukraine. Trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Michael McCord cho biết, cơ quan này đã cạn kiệt gần như tất cả hỗ trợ an ninh hiện có.
“Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung bây giờ, chúng tôi sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm hỗ trợ để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp của Ukraine, bao gồm cả phòng không và đạn dược vốn rất quan trọng và cấp bách hiện nay”, ông McCord nói. Hiện, những rạn nứt tiếp tục xuất hiện nối tiếp trong sự ủng hộ dành cho Ukraine sau khi Ba Lan, một đồng minh chủ chốt, vừa đe dọa đình chỉ việc vận chuyển vũ khí cho Kiev do tranh chấp về vấn đề vận chuyển ngũ cốc.
Giới quan sát cho rằng, việc Chính phủ Mỹ thoát cảnh đóng cửa cũng không hẳn là điều bất ngờ bởi từ trước đến nay các cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tại Quốc hội thường xuyên lâm vào thế bế tắc trong thời gian khá dài khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn tận dụng nguy cơ Chính phủ đóng cửa để gây sức ép buộc đối phương có bước đi nhượng bộ để phục vụ mục đích chính trị của mình. Cuối cùng, hai bên vẫn đạt thỏa hiệp vào phút chót để tránh nguy cơ đóng cửa trong gang tấc.
THƯ LÊ