Sau gần 2 tuần mòn mỏi, ngóng chờ, người dân ở “chảo lửa” Gaza sắp nhận hàng viện trợ đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra sau khi Ai Cập đồng ý mở cửa khẩu Rafah, lối thoát hiểm duy nhất của dân Gaza, cùng với cam kết của Israel về việc không ngăn cản công tác viện trợ.
Các tình nguyện viên Ai Cập chờ đợi bên cạnh đoàn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo cho người Palestine tại cửa khẩu Rafah. Ảnh: Reuters |
Hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ qua cửa khẩu Rafah bắt đầu từ ngày 19-10 (giờ địa phương). Đây là bước đột phá và là cứu cánh cuối cùng trong bối cảnh người dân Gaza đang đứng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có khi Israel ngừng cung cấp thực phẩm, nước, điện và nhiên liệu tới lãnh thổ này đầu tháng này để trả đũa làn sóng tấn công của Hamas vào Israel.
Đưa cửa khẩu Rafah hoạt động trở lại
Ngày 18-10, AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đồng ý mở cửa khẩu Rafah, điểm duy nhất nối Ai Cập với Dải Gaza mà không nằm trong sự kiểm soát của Israel, qua đó cho phép 20 xe tải đầu tiên chở hàng viện trợ đi qua. Công tác sửa chữa đường xá vốn bị hư hại nghiêm trọng trong các cuộc không kích đang diễn ra khẩn trương. Ông Biden tiết lộ, 20 xe tải này chỉ là đợt đầu tiên và có khoảng 150 xe tải khác đang chờ để tiến vào khu vực xung đột. Tuy nhiên, việc các xe còn lại có được phép đi qua cửa khẩu hay không còn phụ thuộc vào “mọi việc diễn ra như thế nào”.
Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, Israel sẽ không ngăn cung cấp viện trợ nhân đạo qua Ai Cập nhưng lưu ý chỉ thực phẩm, nước, thuốc men được phép đưa vào Gaza để phân phát cho dân thường ở nam Gaza “miễn là những nguồn cung cấp này không đến tay Hamas”. Ngoài ra, Israel sẽ không cho phép hàng hóa cứu trợ từ lãnh thổ của nước này sang Dải Gaza cho tới khi các con tin người Israel được trả về nước. Hiện chưa rõ liệu có nhiên liệu nào được đưa vào lô hàng đầu tiên hay không trong lúc nhà máy điện chính ở Gaza dừng hoạt động. Giới chức LHQ ví chuyến hàng viện trợ đầu tiên không phải là cuộc chạy nước rút mà là cuộc marathon thực sự bởi tất cả chỉ mới là sự khởi đầu khi người dân vẫn cần thêm rất nhiều gói viện trợ trong hoàn cảnh khốn khó này.
Việc cả Ai Cập và Israel có thiện chí đầu tiên về việc chuyển viện trợ nhân đạo vào điểm nóng xung đột cho thấy chuyến thăm Israel chóng vánh của ông Biden phần nào có kết quả khả quan, qua đó chứng minh Mỹ “sẽ tiếp tục làm việc với các bạn và các đối tác trong khu vực để ngăn chặn thêm thảm kịch đối với thường dân vô tội” như lời khẳng định của nhà lãnh đạo Mỹ: “Tôi đến Israel để làm một việc gì đó và tôi đã hoàn thành nó”. Tuy nhiên, sứ mệnh của chuyến thăm cũng cho thấy giới hạn đòn bẩy của Mỹ tại khu vực đang trên bờ vực bạo lực lan rộng hơn khi mâu thuẫn vẫn còn giữa Israel và các quốc gia Arab về vụ nổ tại bệnh viện ở thành phố Gaza vừa qua.
Thêm nhiều cam kết viện trợ
Liên Hợp Quốc (LHQ) đang chuẩn bị phân phối viện trợ cho khu vực biên giới Gaza. CNN dẫn lời điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ Martin Griffiths ngày 18-10 cho biết, Gaza thực tế cần 100 xe chở hàng viện trợ qua cửa khẩu mỗi ngày. Nhu cầu viện trợ ở Gaza đã rất lớn ngay cả trước khi bất ổn leo thang do bùng phát xung đột Israel-Hamas. Ông Griffiths nhấn mạnh, trước hết LHQ cần sự bảo đảm để có thể tiến hành cứu trợ quy mô lớn hằng ngày an toàn, thận trọng. Dự kiến, “chương trình viện trợ thiết yếu” của LHQ bắt đầu triển khai trong vài ngày tới. Khoảng 14.000 nhân viên Cơ quan Cứu trợ Người Tị nạn Palestine (UNRWA) sẵn sàng hỗ trợ phân phối hàng cứu trợ.
LHQ cho biết, hơn 200 xe tải chở tổng cộng khoảng 3.000 tấn thực phẩm, nước uống và thuốc men đang chờ Ai Cập bật đèn xanh để đi qua cửa khẩu Rafah vào Gaza. Mỹ cam kết hỗ trợ nhân đạo 100 triệu USD cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây song cảnh báo Hamas không nên tìm cách chuyển hướng viện trợ, và nếu nhóm này can thiệp thì hỗ trợ từ Mỹ sẽ chấm dứt. Tương tự, Chính phủ Ireland vừa công bố gói viện trợ nhân đạo ngay lập tức trị giá 13,7 triệu USD cho người Palestine. Ngày 19-10, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết, nước này sẽ gửi 27 tấn hàng viện trợ nhân đạo gồm lúa mì, đường, gạo và mì ống cho người dân ở Gaza.
Thủ tướng Anh đến Israel Theo Reuters, ngày 19-10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến Israel để thể hiện sự ủng hộ nước này trong nỗ lực chống Hamas, đồng thời thúc giục nhà nước Do Thái xoa dịu hoàn cảnh khó khăn của hơn 2,3 triệu người Gaza khi bị bao vây toàn diện. Ông Sunak sẽ hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trước đó, ông Sunak cho rằng, vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli Arabi ngày 17-10 khiến hàng trăm dân thường Palestine thiệt mạng là “thời điểm bước ngoặt cho lãnh đạo các nước trong khu vực và cả thế giới chung tay ngăn xung đột leo thang nguy hiểm hơn nữa” và nước Anh sẽ đi đầu trong nỗ lực này. Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đến Cairo (Ai Cập) để hòa mình vào làn sóng ngoại giao quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng ở Gaza. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự kiến đến Israel trong những ngày tới. |
THƯ LÊ