Gaza oằn mình trước giai đoạn mới của xung đột

.

Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo của cộng đồng quốc tế, Israel thông báo chiến dịch tấn công phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã bước sang giai đoạn mới sau những ngày liên tục oanh kích dải đất đông dân và đau thương nhất hành tinh này.

Một khu vực bị phá hủy ở bắc Gaza sau cuộc không kích của Israel vào ngày 28-10. Ảnh: CNN
Một khu vực bị phá hủy ở bắc Gaza sau cuộc không kích của Israel vào ngày 28-10. Ảnh: CNN

Quyết định mạo hiểm trên không chỉ khiến tình hình ở Gaza leo thang nghiêm trọng, đẩy dân thường vào thế “một cổ hai tròng” khi hiểm nguy luôn chực chờ và dần cạn kiệt nhu yếu phẩm mà còn làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn bộ “chảo lửa” Trung Đông.

Cái giá của “chiến lược tiêu thổ”

Theo The Guardian, tối 28-10 (giờ địa phương), dải Gaza chìm trong bóng tối, cô lập và bạo lực, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài gần như bị cắt hoàn toàn khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này bước vào “giai đoạn thứ hai” của cuộc chiến lâu dài và khó khăn với mục tiêu rõ ràng: tiêu diệt năng lực quân sự và lãnh đạo của Hamas, đồng thời đưa các con tin về nhà. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, lực lượng quân đội nước này đã thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và dưới lòng đất, nơi phong trào Hamas xây dựng các đường hầm quân sự, và chiến dịch sẽ tiếp diễn cho tới khi có mệnh lệnh mới.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ)  Volker Turk cảnh báo chiến dịch quy mô lớn trên bộ tại Gaza sẽ gây thảm kịch lớn bởi sẽ có thêm hàng nghìn người dân thiệt mạng khi họ không có chốn nương náu trên toàn bộ dải đất vốn đang bị bao vây toàn diện. Nỗi lo này càng trở nên lớn hơn khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo cái giá không nhỏ nếu theo đuổi “chiến lược tiêu thổ”. Belta dẫn lời ông Lavrov cho rằng, rất khó có thể loại bỏ Hamas mà không khiến phần lớn dân thường ở Gaza thiệt mạng. Ông cảnh báo: “Nếu Gaza bị phá hủy hoàn toàn và 2 triệu dân phải rời đi thì điều này sẽ gây thảm họa trong nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ”. Do đó, phải dừng tấn công bừa bãi các mục tiêu có dân thường sinh sống, gồm cả con tin bị bắt giữ; đồng thời gấp rút triển khai thêm viện trợ nhân đạo cho dân thường. Trong diễn biến liên quan, tỷ phú Mỹ Elon Musk cam kết bảo đảm cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink ở Gaza để phục vụ mục đích nhân đạo.

AFP dẫn thông tin từ Cơ quan Y tế tại Dải Gaza cho biết, tính đến ngày 29-10, hơn 8.000 người thiệt mạng tại vùng lãnh thổ chật hẹp này; một nửa trong số đó là trẻ em. Hàng hoạt cơ sở hạ tầng ở bắc Gaza bị phá hủy trong các cuộc không kích. Gần đây có hiện tượng nhiều bậc cha mẹ sợ hãi và tuyệt vọng khi phải viết tên con mình lên chân và bụng chúng để có thể nhận dạng sau các cuộc không kích hoặc nếu chúng bị lạc.

“Tác động nghiêm trọng tới hòa bình khu vực”

Xung đột leo thang ở Gaza đang khiến các nước trong khu vực thêm lo ngại. Theo CNN, Saudi Arabia và Ai Cập cảnh báo sự mất ổn định an ninh khu vực nếu Israel tiếp tục tăng cường tấn công trên bộ ở Gaza. Ngày 28-10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố, hành động quân sự của Israel sẽ có “tác động nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực cũng như hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực”. Tương tự, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi cho rằng, việc mở rộng xung đột có thể biến Trung Đông thành “quả bom hẹn giờ”. Đàm phán giữa Israel và Hamas do Qatar làm trung gian vẫn chưa đổ vỡ, song đang diễn ra với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước khi tình hình leo thang vào tối 27-10.

Trước đó, Đại Hội đồng LHQ  thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững, với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Dẫu không mang tính ràng buộc nhưng kết quả này là thông điệp chính trị rõ ràng, đúng đắn và vững chắc của cộng đồng quốc tế, vốn yêu cầu phải hành động khẩn cấp đối với tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza. Tiếp nối cuộc bỏ phiếu này, cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về chiến dịch quân sự trên bộ của Israel tại Gaza dự kiến diễn ra vào ngày 30-10 (giờ Mỹ).

Ngày xung đột ở Gaza bước vào giai đoạn mới cũng là lúc hàng trăm ngàn người ở các thành phố châu Âu, Trung Đông và châu Á đổ xô ra đường biểu tình yêu cầu Israel ngừng không kích Gaza, cũng như Hamas trao trả hơn 200 con tin.

Lịch sử lâu dài của cuộc xung đột ở Gaza đầy rẫy xáo trộn và đau thương. Tuy nhiên, thậm chí xét theo “những tiêu chuẩn tương đối” này, thì cuộc xung đột hiện tại vẫn nổi bật nhất bởi tính khốc liệt của nó khi cả Israel và Hamas đều thể hiện cam kết tiêu diệt đối phương ở một mức độ mới. Và giờ đây, giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự do Israel phát động đang đặt điều kiện sống của người dân Gaza càng ngặt nghèo hơn.

Lời cảnh báo của Iran
Theo Reuters, giới chức Iran chỉ trích Israel đã vượt qua “lằn ranh đỏ”; đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải đối phó với những mặt trận mới nếu tiếp tục hỗ trợ Israel khiến xung đột ở Dải Gaza leo thang. Iran khẳng định ủng hộ mọi giải pháp chính trị giải quyết khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza. Theo Sputnik, Iran cùng với Nga, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc khác kêu gọi ngừng ngay lập tức cuộc xung đột này. Đến nay, nhóm tàu sân bay USS Eisenhower của Mỹ đã được triển khai ở Địa Trung Hải, bổ trợ cho tàu sân bay USS Gerald R Ford được triển khai trước đó, để ngăn các bên khác tham gia xung đột Israel - Hamas.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.