Giới siêu giàu đổ xô bước vào chính trường

.

Ngày càng có nhiều tỷ phú mong muốn bước chân vào chính trường. “Tại sao họ chuyển sang địa hạt hấp dẫn nhưng rất phức tạp này?” và “Liệu họ vang danh với tư cách là chính trị gia hay không?”, là những câu hỏi không dễ trả lời nhưng rõ ràng xu hướng ngày càng phổ biến này cho thấy quyền lực và ảnh hưởng gia tăng đáng kinh ngạc của giới siêu giàu.

Theo nghiên cứu do Nhà xuất bản Đại học Cambridge công bố vào ngày 25-10, hơn 11% trong số hơn 2.000 tỷ phú trên thế giới đã nắm giữ hoặc cố gắng có được chức vụ chính trị. Quả thực, việc tập trung khối tài sản khổng lồ vào tay một tầng lớp nhỏ khiến nhiều nhà quan sát lo ngại “những người siêu giàu sẽ có ảnh hưởng chính trị siêu lớn”.

Nghiên cứu của nhóm gồm 3 Giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) phân tích 2.072 tỷ phú trong danh sách Forbes tham gia chính trường khi đang là tỷ phú. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn các tỷ phú này nắm giữ một số vai trò chính trị trong suốt sự nghiệp của họ. Các chính trị gia tỷ phú đang trở thành hiện tượng phổ biến đến mức đáng kinh ngạc.

Các tỷ phú tìm kiếm vị trí chính trị bằng cách bổ nhiệm hoặc tranh cử. Họ tập trung các vị trí có ảnh hưởng, chủ yếu ở cấp quốc gia, và hầu hết họ đều nghiêng về phía cánh hữu ở mặt tư tưởng. Ở Mỹ, số chính trị gia tỷ phú theo đảng Cộng hòa nhiều gấp 2,5 lần so với các chính trị gia tỷ phú theo đảng Dân chủ. Ở châu Âu, các chính trị gia tỷ phú thậm chí còn nghiêng về cánh hữu nhiều hơn.

Ví dụ điển hình là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp, cùng với các ứng cử viên cực kỳ giàu có của đảng Cộng hòa là Vivek Ramaswamy và Doug Burgum. Các tỷ phú và triệu phú một lần nữa đóng vai trò lớn trong các cuộc bầu cử quốc gia ở Mỹ. Nghiên cứu cũng đề cập đến việc ông Trump đã nhanh chóng bổ sung các cá nhân siêu giàu khác vào nội các của mình sau khi trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2021, gồm Betsy DeVos, Linda McMahon và Wilbur Ross.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, hai tỷ phú Michael Bloomberg và Tom Steyer không giành được đề cử của đảng Dân chủ dù đã chi hơn 100 triệu USD tài sản của chính họ để vận động tranh cử. Tỷ phú Rick Caruso thất bại trong cuộc đua giành chức Thị trưởng Los Angeles vào năm ngoái sau khi chi 104 triệu USD cho chiến dịch tranh cử. Tỷ phú J.B. Pritzker may mắn trở thành Thống đốc bang Illinois sau khi chi hơn 350 triệu USD tranh cử và giành chiến thắng trong hai cuộc đua.

Bên ngoài nước Mỹ, tỷ phú kiêm chính trị gia thậm chí còn phổ biến hơn. Các nhà lãnh đạo tỷ phú khác bao gồm cựu Thủ tướng Czech Andrej Babis, cựu Thủ tướng Georgia Bidzina Ivanishvili, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, cựu Tổng thống Chile Sebastian Pinera và cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Nghiên cứu chỉ ra rằng các chính trị gia tỷ phú có “thành tích ấn tượng” khi tranh cử, giành chiến thắng 80% trong các cuộc bầu cử.

Ba lý do có lẽ là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc bầu cử của các ứng viên tỷ phú. Trước hết, họ có lợi thế là khoản tài sản cá nhân khổng lồ để tài trợ cho các chiến dịch tốn kém. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ sở hữu các công ty truyền thông để phục vụ chiến dịch tranh cử, đôi khi một cách công khai hoặc tinh vi phục vụ các lợi ích chính trị của họ. Sự giàu có cho phép họ quyết định thời điểm và địa điểm để tranh cử, vì vậy họ có thể xác định hoàn cảnh thuận lợi nhất để tranh cử. 

Bên cạnh việc trở thành chính trị gia, các tỷ phú thậm chí còn nắm giữ nhiều quyền lực chính trị hơn thông qua các khoản quyên góp (thường là bí mật) để hỗ trợ các ứng cử viên, các đảng phái và các ủy ban tranh cử. Tại Mỹ, các tỷ phú đã quyên góp số tiền kỷ lục 881 triệu USD cho các đảng chính trị trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ liên bang năm 2022, với 14 trong số 20 nhà tài trợ hàng đầu quyên góp cho đảng Cộng hòa.

Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ tham gia chính trị của các tỷ phú Mỹ là 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là hơn 11%. Trung Quốc có tỷ lệ chính trị gia-tỷ phú cao nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc hiện có 116 thành viên là tỷ phú, chiếm tỷ lệ 36%. Tiếp theo là Nga với 21%. Trong khi đó, Nhật Bản và Úc dường như không có tỷ phú nào trực tiếp tham gia chính trường.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.