Cuộc khủng hoảng tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày càng tăng khi số lượng tranh chấp giữa các bên chưa được giải quyết ngày càng chồng chất và danh sách “mối lo ngại thương mại” của các thành viên thuộc tổ chức này tiếp tục nối dài.
Theo Reuters, từ cuối năm 2019, có 29 vụ tranh chấp bị bỏ ngỏ, giáng đòn nặng lên hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Sở dĩ có tình trạng này vì Mỹ ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan phúc thẩm, cấp xét xử cao nhất của WTO. Mỹ chỉ trích WTO vượt quá thẩm quyền và kéo dài tiến trình xét xử, cũng như có phán quyết gây bất lợi cho nước này. Cơ quan phúc thẩm không hoạt động đồng nghĩa nhiều vụ kiện tại WTO không được giải quyết triệt để do bên thua không thể kháng cáo.
Theo WTO, một loạt khủng hoảng xảy ra cùng lúc, gồm Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và lạm phát tăng cao, khiến nhiều thành viên WTO coi thường quy tắc thương mại toàn cầu. Nếu tình trạng gia tăng biện pháp thương mại đơn phương không được kiểm soát, kinh tế thế giới sẽ bị phân mảnh và thu nhập toàn cầu giảm 5%. Từ năm 2018, các hạn chế nhập khẩu đã giảm dần nhưng hạn chế xuất khẩu tăng đáng kể, trong đó có hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Ngoài ra, một số nước tận dụng những ngoại lệ đối với quy định của WTO, chẳng hạn lấy lý do về an ninh quốc gia để hạn chế nhập khẩu.
TẤN PHÁT