Mỹ cảnh giác khi Trung Quốc, Saudi Arabia xích lại gần nhau

.

Bất chấp lời kêu gọi từ đồng minh phương Tây, Saudi Arabia vẫn có những bước đi đa dạng hóa quan hệ trong trật tự toàn cầu phân cực, trong đó tăng cường hợp tác trên diện rộng với Trung Quốc từ kinh tế thương mại đến quân sự là điều tất yếu.

Lễ khai mạc cuộc tập trận chung Blue Sword của hải quân Trung Quốc và Saudi Arabia ngày 9-10 tại thành phố Trạm Giang (Trung Quốc).  Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Lễ khai mạc cuộc tập trận chung Blue Sword của hải quân Trung Quốc và Saudi Arabia ngày 9-10 tại thành phố Trạm Giang (Trung Quốc). Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Theo PLA Daily, sau khoảng 4 năm gián đoạn, Trung Quốc và Saudi Arabia vừa khởi động nối lại cuộc tập trận chung gồm 3 giai đoạn của hải quân hai nước tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đây là lần thứ hai sự kiện này diễn ra, sau lần đầu tiên tại Saudi Arabia vào năm 2019. Dù vậy, bối cảnh diễn ra lần này của sự kiện được giới quan sát chú ý hơn bởi hai quốc gia này đang xích lại gần nhau.

Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng

Theo Global Times, thông cáo về cuộc tập trận chung nói trên nêu rõ, sự kiện này nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa lực lượng hải quân hai nước. Cùng với đó là mục tiêu nâng cao kỹ năng chiến đấu và chiến thuật, đặc biệt cải thiện đáng kể năng lực hợp tác trong chiến dịch chung của những đơn vị cứu hộ có vũ trang trên biển của Trung Quốc và Saudi Arabia. Cuộc tập trận chung gồm 3 giai đoạn: huấn luyện cơ bản, huấn luyện chuyên sâu và các bài huấn luyện toàn diện.

Thời gian qua, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ lan rộng trên nhiều mặt trận gồm cả kinh tế, thương mại, công nghệ, Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã xem sự căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ như cánh cửa để ngỏ và mau chóng nắm bắt cơ hội khi trở thành nước trung gian thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai đối thủ lịch sử ở Trung Đông là Saudi Arabia và Iran. Tháng 3-2023, Saudi Arabia và Iran đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Không ai khác, Trung Quốc chính là nước đóng vai trò trung gian cho việc đạt thỏa thuận đáng chú ý này.

Thời gian qua, Trung Quốc và Saudi Arabia đã mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể tới dầu mỏ, trí tuệ nhân tạo (AI) và kể cả giao lưu nhân dân. Global Times dẫn lời Giáo sư Li Haidong thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, vì sự phát triển của Saudi Arabia nói riêng cũng như của các nước Trung Đông nói chung, sự hợp tác giữa các nước đó với Trung Quốc sẽ là điều tất yếu. “Riyadh đang hành động dựa trên tính toán chiến lược về việc phải thích ứng với Trung Quốc vì nước này là đối tác kinh tế không thể thay thế đối với họ”, ông Ayham Kamel, chuyên gia tại hãng nghiên cứu Eurasia Group nhận định.

Trong khi đó, với xung đột Israel-Hamas bất ngờ xảy ra, nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian thúc đẩy hòa bình giữa Saudi Arabia và Israel được cho là đã “xôi hỏng bỏng không”, ít nhất trong ngắn hạn. Đây có lẽ là tình huống bất ngờ, bởi chưa đầy 3 tuần trước, “sự kiện hòa bình lịch sử giữa Isarel và Saudi Arabia” tưởng như sắp đạt được. Washington từng cam kết cấp cho Riyadh hiệp ước phòng thủ để đổi lại là việc bình thường hóa mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.
Washington cảnh giác

Mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đã xuất hiện một số rạn nứt trong thời gian qua và đặc biệt căng thẳng gần đây, sau khi xung đột bùng nổ tại Ukraine và mâu thuẫn giữa họ gia tăng vì lập trường của Riyadh trong vấn đề sản lượng dầu mỏ.

Dù Mỹ vẫn là đối tác quan trọng của vùng Vịnh về mặt an ninh nhưng Saudi Arabia đang vạch ra chính sách đối ngoại phục vụ quá trình chuyển đổi kinh tế quốc gia khi thế giới xoay trục khỏi hydrocarbon vốn là huyết mạch của Saudi Arabia. Theo FT, vùng Vịnh đang xích lại gần Bắc Kinh hơn trong hợp tác thương mại, công nghệ và thậm chí cả công nghệ tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có vũ trang. Washington lo ngại việc các nước vùng Vịnh sử dụng công nghệ 5G và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng quan trọng, gồm cảng biển.

Trước những động thái mở rộng hợp tác giữa Bắc Kinh và Riyadh, Washington gần đây đã có những hành động nhằm “lôi kéo” trở lại đồng minh thân thiết một thời của họ ở Trung Đông, cũng như làm chậm nhịp phát triển trong quan hệ Saudi Arabia - Trung Quốc. Trong động thái cụ thể, theo Global Times, để ngăn chặn sự hợp tác giữa hai nước về AI, chính quyền Mỹ mở rộng quy định về các yêu cầu cấp phép xuất khẩu đối với bộ vi xử lý đồ họa do các công ty Mỹ sản xuất. Quy định này áp dụng với hai nhà sản xuất chip đồ họa lớn nhất của Mỹ là Nvidia và AMD. Giới chuyên gia cho rằng, với quy định đó, Washington dự kiến có “một mũi tên trúng hai đích”: vừa ngăn Trung Quốc sở hữu công nghệ tân tiến, vừa hạn chế được năng lực công nghệ của Saudi Arabia.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.