Mỹ - EU tìm hướng xoa dịu bất đồng

.

Ngày 20-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón các nhà lãnh đạo châu Âu đến Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) nhằm đưa ra thông điệp đoàn kết trước các cuộc khủng hoảng.

Theo AFP, Tổng thống Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần thứ hai dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Lần đầu tiên sau hơn 2 năm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và EU gặp nhau trong bối cảnh hai bên đang có dấu hiệu rạn nứt. Sự kiện này là cơ hội hiếm hoi để củng cố quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, qua đó đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu, cũng như cân đối lại kinh tế thế giới.

Sau nhiều năm căng thẳng thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ kinh tế Mỹ - EU trị giá 7.100 tỷ USD đang có nhiều vấn đề. Châu Âu đang bất bình khi Mỹ ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA) dành tới 370 tỷ USD trợ cấp các công ty sản xuất ô-tô điện, pin mặt trời tại Mỹ, khiến các công ty châu Âu giảm khả năng cạnh tranh.

“Cuộc chiến” thuế quan thép và nhôm cũng chưa chấm dứt. Để trả đũa việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, EU cũng áp đặt 50% thuế nhập khẩu lên một loạt sản phẩm của Mỹ. Dù hai bên đã đạt thỏa thuận “ngưng chiến” nhưng thời hạn của thỏa thuận này cũng chỉ đến 31-10 nếu như không được tiếp tục gia hạn tại cuộc gặp này.

Dù ông Biden có quan điểm ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm nhưng dung hòa lợi ích hai bên không phải là điều dễ dàng. Mới đây, Phòng Thương mại Mỹ và Liên đoàn Doanh nghiệp châu Âu ra tuyên bố chung kêu gọi giải quyết tranh chấp bởi hợp tác Mỹ - EU là trọng tâm để giải quyết các thách thức địa chính trị và kinh tế mà hai bên phải đối mặt. Nếu chưa vượt qua các bất đồng, Mỹ và EU khó có thể hợp tác hiệu quả trong các vấn đề như thúc đẩy kinh tế xanh; công nghệ quan trọng và mới nổi, gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI); tăng cường khả năng phục hồi kinh tế...

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột Israel-Hamas vẫn chưa hạ nhiệt, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu mong muốn thể hiện mặt trận thống nhất, tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt, cả hai bên đang tìm cách ngăn chặn mặt trận thứ hai tiềm tàng trong xung đột Israel-Hamas có thể chứng kiến sự tham gia của phong trào Hezbollah ở Lebanon hoặc sự leo thang trong khu vực với những phân nhánh khó lường.

Một quan chức EU giấu tên cho biết: “Điều đặc biệt quan trọng là chúng tôi phải tăng cường nỗ lực ở cả hai bờ Đại Tây Dương để bảo đảm rằng cuộc xung đột này không lan ra ngoài biên giới”. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội gửi những thông điệp thống nhất rõ ràng tới tất cả các bên trong cuộc xung đột.

Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc khi không thể đạt được đồng thuận về việc bầu chủ tịch Hạ viện. Điều này diễn ra trong bối cảnh hạn chót 17-11 để thông qua ngân sách cho chính phủ trong năm tài khóa mới đang đến gần. Tại hội nghị, ông Biden sẽ trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề này. Ngày 19-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ tin tưởng Tổng thống Biden sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm viện trợ cho Ukraine.

Trước cuộc khủng hoảng khí hậu, EU cũng đang tìm cách thúc giục Washington hành động nhiều hơn nữa. Hội nghị là cơ hội để Mỹ đàm phán rõ ràng hơn với EU về cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) mới được khối áp dụng đầu tháng 10-2023. Đây cũng là cơ chế mới của châu Âu nhằm chống lại các nguyên liệu gây ô nhiễm và đến từ các thị trường có chi phí thấp. Thuế carbon châu Âu sẽ được sử dụng như hệ quy chiếu tham khảo để tiến hành thiết lập khu vực thuế quan chung Mỹ - EU.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.