TikTok trục lợi từ xu hướng sức khỏe nguy hiểm thế nào?

.

Dầu thầu dầu (castor oil) không thể đánh tan khối u. Nhưng bất chấp điều đó, những người quảng bá chúng trên TikTok Shop vẫn đang kiếm được bộn tiền hoa hồng khi chào mời thành công người mua các sản phẩm đó. Đáng lo hơn khi đây chỉ là một trong vô số những kiểu trục lợi về sức khỏe trên TikTok.

Nhiều nội dung quảng bá sai sự thật về sức khỏe đang lan tràn trên các mạng xã hội, trong đó có TikTok. Ảnh: Shutterstock
Nhiều nội dung quảng bá sai sự thật về sức khỏe đang lan tràn trên các mạng xã hội, trong đó có TikTok. Ảnh: Shutterstock

Tạo trend bằng thuật toán

Trong vài tuần qua, chủ kênh TikTok tên Busy Belle nói với gần 30.000 người theo dõi tài khoản của cô rằng dầu thầu dầu hay dầu hải ly, loại dầu thực vật béo không bay hơi dạng tinh khiết được chiết xuất từ hạt thầu dầu bằng phương pháp ép lạnh, nếu bôi vào rốn có thể giúp chống nhiễm trùng và giúp đánh tan các khối u. Người này còn đăng nhiều video lên TikTok Shop, công cụ thương mại điện tử mới của mạng xã hội này, để quảng bá sản phẩm dầu thầu dầu đen của Jamaica có tên Aliver. Một trong các video đó thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem và loại sản phẩm mà chủ kênh gắn link đi cùng đã bán được tổng cộng hơn 33.000 đơn. Busy Belle nói bản thân cũng bôi thứ dầu đó mỗi tuần một lần và hùng hồn “đập tan” dư luận cho rằng mọi người đang nói dối trên TikTok về công dụng của sản phẩm.

Dù dầu thầu dầu được bán lâu nay với rất ít bằng chứng cho rằng nó là loại thảo dược tốt cho mọi lứa tuổi, nhưng gần đây nó trở thành “trend” với doanh số tăng vọt nhờ tác động của các gian hàng và những người quảng bá như Busy Belle.

Các thuật toán đề xuất của mạng xã hội sẽ luôn biết cách mang tới cho bạn những nội dung nó muốn. Và khi chúng bắt đầu hoạt động, bạn sẽ luôn được “dẫn dụ” tới loạt nội dung và video nói về cùng một chủ đề nhất định và bạn cảm giác như tìm thấy đúng cái đang cần nhất. Mọi thứ có thể ngẫu nhiên với bạn, nhưng không hề là vậy bởi tính có mục đích của các nhà lập trình khi thiết kế thuật toán cho các mạng xã hội. Cho tới đầu tháng 10-2023, mã hashtag #CastorOil có ít nhất 925 triệu lượt view trên TikTok.

Thật, giả khó lường

Có thể thấy các gian hàng trên TikTok Shop rất đa dạng, từ những thương hiệu đã được xác thực cho tới các sản phẩm hàng nhái, hàng giả và vô số thứ lừa đảo, kém chất lượng, thậm chí đe dọa sức khỏe người dùng. Nền tảng này được thiết kế để giúp các công ty kiếm tiền từ hiện tượng mã hashtag #TikTokMadeMeBuyIt (TikTok khiến tôi chốt đơn). Thay vì kết nối người dùng đến các sàn thương mại điện tử như Amazon hay các sàn online bên thứ ba, TikTok Shop khuyến khích người dùng mua sản phẩm trực tiếp trong ứng dụng.

TikTok Shop cũng cung cấp dòng doanh thu cho những người làm nội dung có thể tạo ra các video liên kết để quảng cáo những sản phẩm có trong nền tảng. Hình thức tiếp thị này sẽ giúp chủ kênh TikTok nhận hoa hồng từ doanh số bán được. Một số người có ảnh hưởng trên mạng (influencer) và các công ty tận dụng TikTok Shop để kiếm tiền từ các xu hướng được tạo ra trên mạng xã hội bằng cách nhắm vào những người dùng trẻ trên TikTok để bán sản phẩm không hiệu quả, nguy hiểm hoặc thậm chí phi đạo đức.

Thực tế, cơ chế cho dạng thức tiếp thị mục tiêu này ra đời từ trước khi TikTok Shop được triển khai. Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, một số nhà làm nội dung về sức khỏe trên TikTok lan truyền nội dung nguy hiểm và vô dụng của việc uống hàn the pha loãng trong nước. Tương tự, nhiều người thậm chí tranh thủ độ phổ biến của TikTok để quảng cáo các loại thuốc steroid hay tương tự steroid, theo báo cáo gần đây của Trung tâm chống thù địch kỹ thuật số ở Anh công bố. Steroid, còn được gọi là ‘roids’ hoặc ‘nước cốt’ giống hoặc gần giống một số hormone trong cơ thể. Steroid đồng hóa là loại hormone nhân tạo có đặc tính giống như androgen - hormone sinh dục nam trong cơ thể con người. Theo đó, các nhà nghiên cứu của trung tâm nhận thấy các video quảng cáo những chất này được xem hơn 500 triệu lượt trên TikTok và chủ yếu là những người dưới 24 tuổi.

TikTok Shop là giai đoạn mới đối với TikTok, nó đã giúp các công ty có thể kiếm tiền theo thời gian thực thay vì bị lấn lướt bởi tốc độ phát triển đáng gờm của TikTok. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả ở Mỹ, nơi có lượng người dùng mạng xã hội này thuộc diện lớn nhất, cơ chế thực thi pháp lý với việc kiểm soát nội dung độc hại trên mạng này vẫn đang chậm hơn so với thực tiễn khá nhiều.

Lan tràn các trải nghiệm cá nhân với hàng hóa sức khỏe
Bà Rachel Moran, chuyên gia nghiên cứu những thông tin sai lệch về sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) chỉ ra sự nguy hại từ những câu chuyện mang tính trải nghiệm cá nhân, yếu tố không chỉ được sử dụng như công cụ tiếp thị đáng kể trên TikTok, mà từ lâu là công cụ chính trong việc phát tán những lời khuyên đáng ngờ về sức khỏe.
Điều đáng lo hơn nữa khi mà Washington Post cho biết, ngay cả những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên TikTok có một số lượng lớn người theo dõi, vẫn có thể đưa ra lời khuyên “bị thao túng” vì lợi ích. Chẳng hạn, tổ chức American Beverage vốn chuyên vận động cho ngành công nghiệp nước ngọt đã trả tiền cho 10 chuyên gia về ăn kiêng và chế độ dinh dưỡng có đăng ký hành nghề hợp pháp để họ quảng bá về lợi ích của các loại nước uống sử dụng chất làm ngọt nhân tạo trên mạng xã hội. Họ thực hiện chiến dịch này trên mạng xã hội để phản ứng cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc chất làm ngọt nhân tạo aspartame có thể gây ung thư.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.