Trong bản dự thảo luật đề xuất gần đây của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), nội dung được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm là việc Chính phủ Trung Quốc sẽ không giám sát những dữ liệu mà cơ quan quản lý nước này không xếp vào loại “quan trọng”.
Khu vực thuộc sự kiện triển lãm dữ liệu lớn cho ngành giao thông vận tải tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) vào tháng 10-2020. Ảnh: Getty Images |
“Các dự thảo quy định mới giúp giải tỏa những khó khăn mà các công ty đang đối mặt, liên quan vấn đề chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới cũng như bảo vệ thông tin cá nhân”, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc bình luận với CNBC về dự thảo nói trên.
Kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc
Giới truyền thông quốc tế, nhất là báo chí Mỹ, đặc biệt quan tâm dự thảo luật mới của CAC. Theo đánh giá của họ, chính quyền Trung Quốc đang phát tín hiệu sẽ áp dụng lập trường mềm mỏng hơn trong vấn đề quản lý dữ liệu vốn từng rất khắt khe của họ. Điều này được nhìn nhận như động thái tiếp nối của Bắc Kinh để từng bước tháo gỡ bớt các rào cản về chính sách và thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả khảo sát thường niên mới nhất của Hội đồng kinh doanh Trung - Mỹ cũng cho thấy thách thức lớn thứ hai với các thành viên của họ trong năm nay chính là vấn đề liên quan dữ liệu, thông tin cá nhân và quy định an ninh mạng. Trong những năm qua, Trung Quốc ban hành nhiều luật mới nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thu thập và xuất khẩu dữ liệu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy việc tuân thủ các luật đó khá khó khăn do rất khó xác định được nội hàm cụ thể của các thuật ngữ, chẳng hạn thế nào là “dữ liệu quan trọng”.
Reuters dẫn lời ông Alex Roberts, luật sư thuộc Công ty Linklaters, cho rằng các quy định mới là tín hiệu tuyệt vời cho đầu tư và thương mại vào Trung Quốc. “Sẽ có nhiều câu hỏi về quy mô của “mức độ cần thiết” để đạt tiêu chuẩn của những ngoại lệ nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn và nhỏ đều sẽ rất vui nếu quy định này được thông qua ở dạng thức như hiện nay”, luật sư này nhận định. Tương tự, theo luật sư You Yunting của văn phòng luật DeBund Law Offices tại Thượng Hải, dự thảo cho thấy mức độ nới lỏng nhất định trong quản lý xuất khẩu dữ liệu tại Trung Quốc.
Lắng nghe doanh nghiệp
“Việc công bố dự thảo được xem như tín hiệu từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy họ đang lắng nghe những băn khoăn của doanh nghiệp và sẵn sàng triển khai các bước để giải quyết những băn khoăn đó”, thông cáo của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (EU Chamber) nêu rõ. EU Chamber cho rằng, dự thảo sẽ giúp giải tỏa vướng mắc liên quan dữ liệu cho doanh nghiệp bằng cách nêu cụ thể danh sách các hạng mục được miễn trừ hoàn toàn hay một phần với những quy định liên quan.
Vài điểm đáng chú ý trong dự thảo mới này gồm các dữ liệu phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, hợp tác học thuật, sản xuất và tiếp thị, có thể được gửi ra nước ngoài mà không phải chịu sự giám sát của chính phủ, miễn là chúng không bao gồm thông tin cá nhân hay “dữ liệu quan trọng”. Dự thảo cũng dự định hủy bỏ yêu cầu về đánh giá mức độ an toàn của xuất khẩu dữ liệu trong các tình huống cụ thể như với những người qua bên kia biên giới mua sắm, các hoạt động đặt phòng khách sạn hay xử lý visa vốn cần phải chia sẻ thông tin cá nhân ra nước ngoài hay mục đích tuyển dụng nhân sự.
Ngày 6-10, CNBC dẫn lời bà Reva Goujon, Giám đốc Tập đoàn tư vấn Rhodium, ca ngợi: “Đây là bước đi nhỏ nhưng quan trọng với Bắc Kinh để chứng minh rằng họ đang thực sự nói đi đôi với làm bởi trước đó Quốc vụ viện Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới”. Tháng 8-2023, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố nội dung bản kế hoạch 24 điểm nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Kế hoạch này cũng gồm yêu cầu giảm bớt tần suất kiểm tra ngẫu nhiên với doanh nghiệp có mức độ rủi ro thấp và thúc đẩy lưu chuyển dòng chảy dữ liệu thông qua “luồng xanh” cho một số doanh nghiệp nước ngoài cụ thể.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8-2023, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ yên tâm hoạt động lâu dài tại quốc gia này. Đánh giá về thời điểm công bố cũng như nội dung dự thảo mới của CAC, các chuyên gia quốc tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thêm hành động cụ thể hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy trong những tháng qua, Trung Quốc có một số động thái nới lỏng kiểm soát với dữ liệu chuyển ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Công ty Baidu và các công ty khác của Trung Quốc hồi cuối tháng 8-2023 đã có thể đưa vào sử dụng những chatbot ứng dụng AI tạo sinh sau khi “quy định tạm thời” của Bắc Kinh về quản lý các dịch vụ kiểu này có hiệu lực từ ngày 15-8.
TRẦN ĐẮC LUÂN