Nguy cơ của 'các hóa chất vĩnh viễn'

.

Những ký tự viết tắt “PFAS” có thể không có bất cứ ấn tượng gì nhưng nếu nói đây là những hóa chất có thể gây ung thư và đang ẩn nấp trong các vật dụng, sản phẩm gần gũi như đồ điện tử, chảo chống dính, giấy vệ sinh… thì hẳn chúng ta sẽ giật mình.

Đáng lo hơn khi các hóa chất này đã được tìm thấy ở những hàm lượng cao trong nguồn nước của nhiều cộng đồng trên thế giới. Chẳng hạn, từ năm 1999, kết quả theo dõi mẫu máu thu thập từ hàng ngàn người Mỹ đã cho thấy có tới 4 hóa chất nhóm này nằm trong cơ thể của gần như tất cả những người được kiểm tra.

Hiện diện khắp nơi

Có khả năng rất lớn là bạn ít nhiều đã tiếp xúc với nhóm chất Per-and polyfluoroalkyl (hay PFAS). PFAS là một nhóm gồm khoảng 14.000 loại hóa chất nhân tạo được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp để làm cho mọi thứ không thấm nước, chống nóng, chống dính và chống vết bẩn như dầu, mỡ và nước.

Những khả năng đặc biệt của PFAS được một nhà khoa học tình cờ phát hiện vào năm 1938 khi đang thử nghiệm các chất làm lạnh. PFAS được dùng để sản xuất hàng ngàn loại sản phẩm cả trong công nghiệp lẫn hàng hóa dân sinh như bọt chữa cháy, thảm, đồ nội thất, quần áo không thấm nước, chảo chống dính và một số loại bao bì thực phẩm (như loại bao bì dùng để gói đồ ăn nhanh mang đi). Cứ mỗi năm qua đi, người ta lại biết thêm một số sản phẩm nữa có sử dụng PFAS. Chẳng hạn gần đây nhất là giấy vệ sinh, chỉ nha khoa, chất bán dẫn và các tấm pin quang điện. Các hóa chất này thường được mô tả là “hóa chất vĩnh viễn” vì chúng không bị phân hủy theo thời gian và có thể tích tụ trong môi trường và cơ thể người. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra việc sử dụng quá nhiều PFAS có liên quan tình trạng giảm miễn dịch và gây bệnh ung thư ở người.

Trong phần đầu chương trình phát sóng có tiêu đề “Chất độc trong tất cả chúng ta” của chương trình truyền hình Bloomberg Investigates, những người thực hiện đã chỉ ra đường đi của những hóa chất độc hại này và sau cùng chúng sẽ “nằm lại” bên trong cơ thể của gần như mọi người như thế nào. Theo đó, từ nước mưa trên dãy Himalaya cho tới những con cá voi ở quần đảo Faroe (nằm giữa Iceland và Na Uy) hay nước ngầm ở bang Minnesota (Mỹ), người ta đều đã tìm thấy PFAS.

Những nguy cơ lớn về sức khỏe

PFAS đang liên quan với một danh sách ngày càng dài hơn của các bệnh tật và nguy cơ sức khỏe, trong đó có béo phì, các trục trặc sinh sản và ung thư. Trong Covid-19, các nhà khoa học còn phát hiện chúng làm giảm hiệu quả của các loại vắc-xin.

Dù vậy, theo Bloomberg, có thể sẽ phải mất vài thập niên nữa người ta mới có thể vạch ra rõ ràng chứng cứ của việc những hóa chất này gây hại cho con người thế nào. Lý do bởi các nghiên cứu thực hiện trên động vật không được “phiên” sang con người, còn những thử nghiệm tiến hành trực tiếp trên con người thì lại đặt ra các vấn đề tranh cãi đạo đức.

Do đó, nhìn chung các nhà khoa học đều tiếp cận theo cách tập hợp dữ liệu về sự phơi nhiễm với chất này của một nhóm người rồi tìm hiểu mối liên quan giữa chúng với các hậu quả cụ thể. Tuy nhiên các nghiên cứu lâm sàng (dựa trên quan sát) như thế có sẽ hạn chế mức độ xác quyết về mối liên hệ nhân - quả trong câu chuyện này.

Dù vậy, cho tới nay, dựa trên các chứng cứ có được, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã xác định PFAS là nhóm chất có thể gây ung thư, đặc biệt với tinh hoàn và thận. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy PFAS ảnh hưởng tới khả năng liên hệ giữa các tế bào với nhau, từ đó có thể ảnh hưởng tới khả năng hệ miễn dịch chống chọi virus. Cơ quan Môi trường châu Âu cho rằng, có khả năng lớn là PFAS có liên quan tới việc trẻ sinh trễ so với ngày dự sinh, bệnh về tuyến giáp và tổn thương gan. Để phòng ngừa những hậu quả khôn lường của các “hóa chất vĩnh viễn”, Liên minh châu Âu bắt đầu xem xét những quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn với nhóm PFAS, theo đó cũng buộc các nhà lập pháp ở Mỹ cũng phải dành sự quan tâm đích đáng để đánh giá mức độ nguy hại của chúng trước khi có phản ứng phù hợp.

Ai đang sản xuất PFAS?
Theo báo cáo của nhóm ChemSec, tổ chức chuyên vận động cho chính sách quản lý nghiêm ngặt hơn với các chất độc hại, phần lớn lượng PFAS được sản xuất ra trên toàn cầu thuộc về 12 công ty hóa chất. Đó là AGC, Arkema, Chemours, Daikin, 3M, Solvay, Dongyue, Archroma, Merck, Bayer, BASF và Honeywell. Công ty 3M đã thông báo họ sẽ dừng sản xuất mọi loại hóa chất PFAS và nỗ lực đưa nhóm chất này ra khỏi các sản phẩm của họ vào cuối năm 2025.

ĐỖ DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.