Lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn khi thay 5 vị trí bộ trưởng, trong đó, mọi sự chú ý đổ dồn vào sự trở lại chính trường của cựu Thủ tướng David Cameron với tư cách tân Ngoại trưởng.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng vào ngày 14-11. Ảnh: Getty Images |
Việc ông Cameron (57 tuổi) giữ chức Ngoại trưởng gây ngạc nhiên lớn trong dư luận và chính trường Anh, đánh dấu sự trở lại nội các đầu tiên của một cựu Thủ tướng kể từ thời ông Alec Douglas-Home vào thập niên 1970.
Lựa chọn phù hợp
New York Times nhận định, việc bổ nhiệm ông Cameron lần này phải được xếp vào một trong những sự trở lại đáng chú ý nhất trong lịch sử chính trị nước Anh. Kinh nghiệm của ông Cameron với tư cách từng “nhân vật có uy tín trên trường quốc tế” chính là lý do Thủ tướng Sunak muốn ông quay lại nội các, dù trước đó cả hai không ít lần công khai lập trường khác biệt về nhiều vấn đề lớn và chưa kể hồ sơ chính sách đối ngoại trước đây của ông Cameron cũng gây tranh cãi. Trong khi đó, bản thân ông Cameron cũng muốn hỗ trợ ông Sunak, “vị thủ tướng mạnh mẽ và có năng lực, sự lãnh đạo mẫu mực vào thời điểm khó khăn”. “Dù tôi không tham gia chính trường trong 7 năm qua nhưng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của mình với tư cách là lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong 11 năm và thủ tướng trong 6 năm sẽ giúp thủ tướng giải quyết những thách thức quan trọng”, ông Cameron nói, trích dẫn hai cuộc xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine. Tân Ngoại trưởng là người ủng hộ mạnh mẽ việc Anh duy trì cam kết chi 0,7% GDP cho viện trợ quốc tế. Khi còn làm Thủ tướng, ông thành lập Hội đồng An ninh quốc gia theo mô hình ở Nhà Trắng.
Đáng chú ý, dù có thể gây ra sự tức giận ở cánh hữu của đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng quyết định bổ nhiệm ông Cameron là sự thỏa hiệp của Thủ tướng Sunak để làm hài lòng nhóm ôn hòa trong đảng trong trước sự bất mãn của họ với chính sách mang tính cực hữu trong các vấn đề nhập cư, cảnh sát và nhà ở của chính phủ đương nhiệm. Động thái của ông Sunak quay sang người tiền nhiệm trung dung giúp thu hẹp khoảng cách với đảng Lao động trong nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Nghị sĩ Richard Graham, đặc phái viên thương mại khu vực Đông Á, cho biết, việc bổ nhiệm ông Cameron là sự lựa chọn phù hợp vì “kinh nghiệm sâu sắc và tính tình hòa dịu” của cựu Thủ tướng. Đồng quan điểm, Timothy Bale, Giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết: “Có cơ hội dù mờ nhạt rằng điều này sẽ giúp Vương quốc Anh có thêm ảnh hưởng trên trường toàn cầu vào thời điểm thế giới chứng kiến những xung đột căng thẳng”. Song, nhiều nhà quan sát coi động thái đưa Cameron trở lại của ông Sunak là canh bạc với kết quả không chắc chắn.
Cuộc cải tổ chiến lược
Cuộc cải tổ sâu rộng lần này chứng kiến sự ra đi của 5 bộ trưởng vốn có hơn 3 thập niên kinh nghiệm làm việc ở ghế lãnh đạo. Sau khi công bố quyết định sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman trước sức ép dư luận và nội bộ liên quan việc bà chỉ trích cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Hamas-Israel, Thủ tướng Sunak bổ nhiệm Ngoại trưởng James Cleverly làm Bộ trưởng Nội vụ. Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ vẫn tại vị trong đợt cải tổ nội các lớn này dù bất đồng với Thủ tướng Sunak về vấn đề ngân sách.
Independent dẫn thông báo của đảng Bảo thủ cho biết, Thủ tướng Sunak đang tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng hơn nhằm “củng cố đội ngũ của ông trong chính phủ để đưa ra các quyết định dài hạn cho tương lai tươi sáng hơn”. Theo giới quan sát, động thái này được xem là biện pháp vừa mang tính đối phó, vừa là chiến lược của Thủ tướng Sunak nhằm trẻ hóa nội các, thu hút các đồng minh và loại bỏ một số bộ trưởng mà Văn phòng Thủ tướng cho rằng không đáp ứng kỳ vọng.
Sự trở lại bất ngờ của ông Cameron diễn ra trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza và các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine ở London đặt ra những câu hỏi về chính sách của Anh, đặc biệt về Trung Đông. Ông Cameron từng ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Tuy nhiên, ông cũng là người ủng hộ Israel mạnh mẽ. Ngày 9-10, khi Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza và tấn công mạnh mẽ để đáp trả Hamas, chính trị gia này lên tiếng ủng hộ Israel. Ben Whitham, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London (Anh), cho rằng, dù ông Cameron sẽ có lập trường ôn hòa hơn về tình hình Trung Đông nhưng ông sẽ không ủng hộ Palestine trong thời điểm này.
Ông Cameron bắt đầu đảm nhận chức Thủ tướng Anh ở tuổi 43 vào năm 2010, và buộc phải từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016 sau khi đa số người Anh, bao gồm cả ông Sunak, bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Sau khi rời nhiệm sở, Cameron tách mình ra khỏi chính trường và dành 7 năm để viết hồi ký. Ông cũng thử sức mình trong lĩnh vực kinh doanh và thành lập Greensill Capital, công ty tài chính nhưng sau đó sụp đổ. Chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt và quyết định định mệnh tổ chức cuộc bỏ phiếu Brexit của ông vẫn là những “di sản” quan trọng trong thời gian ông nắm quyền và tác động của chúng vẫn kéo dài đến tận bây giờ. |
THƯ LÊ