Nhiều quốc gia kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba; tình hình tại Gaza “xấu đi từng giờ”; các nước phương Tây cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine là một phần trong những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm tuần qua.
Quân đội Israel tiến sâu vào Gaza, trại tị nạn, xe cứu thương cũng trở thành mục tiêu
Bộ binh Israel tiến sâu vào Dải Gaza, ngày 2-11. THX/TTXVN |
Ngày 31-10, quân đội Israel thông báo binh lính của nước này đang “giao tranh ác liệt” với lực lượng Hamas bên trong Dải Gaza. Đến hôm 2-11, chính phủ Israel tuyên bố sẽ cắt đứt "mọi liên lạc" với Dải Gaza đồng thời bao vây thành phố Gaza, đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas.
“Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị cho tháng chiến đấu thứ hai, với mục tiêu bao trùm là tạo thời gian nghỉ ngắn và duy trì hoạt động cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng các lực lượng an ninh, đồng thời hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh trên mặt trận dân sự”, Bộ Quốc phòng Israel đề cập trong một tuyên bố khi cuộc xung đột bước sang ngày thứ 27. Ngày 3-11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ không chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong cuộc xung đột với Hamas, nếu đối phương không trả tự do cho các con tin bị đưa từ Israel đến Gaza.
Quân đội Israel (IDF) ngày 31-10 xác nhận đã không kích Jabalia - trại tị nạn lớn nhất ở Dải Gaza - và tiêu diệt Ibrahim Biari - chỉ huy chủ chốt của Hamas đã tham gia vụ tấn công lãnh thổ Israel ngày 7-10. Động thái này đã vấp phải nhiều phản đối từ cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit chỉ trích mạnh mẽ hành động này, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế cùng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Dải Gaza. Ngày 1-11, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, cho biết người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới bàng hoàng trước tình hình leo thăng căng thẳng tại Gaza, đặc biệt là vụ không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia. Tổng Thư ký Guterres cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế cũng như chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang hiện nay.
Đáng chú ý, quân đội Israel (IDF) hôm 3-11 đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công chiếc xe cứu thương ở bên ngoài Bệnh viện Al-Shifa - cơ sở y tế lớn nhất tại Gaza. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ phản ứng “hoàn toàn sốc” với vụ tấn công đẫm máu này.
Ngày 4-11, Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ tấn công nhằm vào một trường học tại miền Bắc Gaza. Hàng nghìn người Palestine hiện đang trú ẩn trong các trường học của LHQ và chính quyền ở Dải Gaza.
Giao tranh dữ dội tại Gaza trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này ngày càng trở nên trầm trọng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hàng nghìn trẻ em ở Gaza đã thiệt mạng vì bom đạn, nhưng sẽ có nhiều em nữa thiệt mạng vì thiếu nước. Ngày 1-11, WHO hoan nghênh thông tin triển khai thành công đợt sơ tán đầu tiên các bệnh nhân bị thương ra khỏi Gaza thông qua cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập, đồng thời nhấn mạnh trong Gaza vẫn còn hàng nghìn người dân bị thương nghiêm trọng cần được điều trị.
Nhiều nước kêu gọi Mỹ ngừng cấm vận Cuba
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận tại Trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) về “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba”. Ảnh: TTXVN phát |
Ngày 2-11, Đại hội đồng LHQ khóa 78 đã nhất trí thông qua nghị quyết phản đối việc Mỹ áp đặt lệnh bao vây, cấm vận về kinh tế và thương mại chống Cuba. Đại hội đồng LHQ bày tỏ quan ngại trước thực tế, mặc dù từ năm 1992, LHQ luôn thông qua các nghị quyết liên quan, song "lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba vẫn còn hiệu lực".
LHQ cũng quan ngại trước những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm vận Mỹ áp đặt từ năm 1960 đối với người dân Cuba và công dân Cuba sống tại các quốc gia khác. ĐHĐ LHQ một lần nữa kêu gọi tất cả các nước không ban hành và áp dụng các biện pháp bao vây cấm vận như vậy, phù hợp với nghĩa vụ của các nước theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla tuyên bố lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt suốt hơn 60 năm qua đã vi phạm các quyền của người dân Cuba, cũng như vi phạm mọi qui định, thông lệ luật pháp quốc tế và luật thương mại quốc tế. Ông tái khẳng định Cuba hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với Mỹ và việc khiến một quốc gia phải hứng chịu chiến tranh kinh tế suốt nhiều thập kỷ là điều không thể chấp nhận được.
Về phần mình, Đại diện phái đoàn Mỹ Paul Folmsbee nói rằng Mỹ thừa nhận những thách thức mà người dân Cuba phải đối mặt, đồng thời lý giải rằng lệnh trừng phạt bao gồm các điều khoản miễn trừ liên quan tới mặt hàng thực phẩm, thuốc men và hàng hóa nhân đạo khác. Tuy nhiên, ông Paul Folmsbee tuyên bố Washington phản đối nghị quyết của ĐHĐ LHQ và “ủng hộ người dân Cuba theo đuổi một tương lai có sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.
Thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đã cùng đông đảo các nước phản đối lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp này vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tôn chỉ, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Đại sứ tái khẳng định Việt Nam chống lại mọi hình thức áp đặt đơn phương và cấm vận đối với quốc gia có chủ quyền.
Chia sẻ và bày tỏ cảm thông với những khó khăn của Cuba, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận, đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và đảo ngược chính sách hiện nay đối với Cuba, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền quốc gia và độc lập chính trị của nhau. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong quá trình này. Nhân dịp này, đại diện Việt Nam tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ, tình bằng hữu, và đoàn kết đối với nhân dân Cuba anh em.
Thế giới đặc biệt quan tâm đến AI
Ngày 1-11, tại Hội nghị Cấp cao an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu ở Bletchley Park (ảnh), Anh công bố "Tuyên bố Bletchley", do 28 quốc gia ký kết, nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp toàn cầu để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực này. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 2-11, hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới, đã diễn ra tại trung tâm Bletchley Park của Anh. Hội nghị kết thúc với tuyên bố chung về an toàn AI. Liên minh châu Âu (EU) và 28 quốc gia tham gia hội nghị đã thống nhất thúc đẩy nỗ lực toàn cầu mới để đảm bảo AI được phát triển và sử dụng an toàn, có trách nhiệm.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới cần đi trước làn sóng AI. Theo ông, việc AI phát triển nhanh chóng có thể có gây ra những hậu quả lâu dài trong mọi lĩnh vực từ việc làm đến văn hóa, trong khi việc tập trung vào một số quốc gia và công ty có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Ông cảnh báo thực trạng này có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng đang diễn ra trên thế giới. Do đó, người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới "phản ứng thống nhất, bền vững, toàn cầu" trước các nguy cơ từ AI.
Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI là từ khóa của năm 2023. Collins cho biết các chuyên gia biên soạn từ điển tại nhà xuất bản này đều nhất trí rằng thuật ngữ công nghệ nói trên đã "gia tăng mức độ phủ sóng nhanh chóng", đồng thời trở thành chủ đề thảo luận chủ đạo của năm 2023. Ông Alex Beecroft - Giám đốc điều hành của nhà xuất bản Collins - nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá AI là tiêu điểm lớn của năm nay, thông qua cách mà công nghệ này đã phát triển và nhanh chóng trở nên phổ biến trong cuộc sống của chúng ta như email, phát trực tuyến hoặc những điều từng được coi là triển vọng tương lai giờ đã trở thành là công nghệ ứng dụng hằng ngày”.
Trong một diễn biến khác, bản thu âm cuối cùng của ban nhạc huyền thoại nước Anh The Beatles với sự góp giọng của John Lennon nhờ sự hỗ trợ của công nghệ AI đã ra mắt ngày 2-11. Như vậy, nhạc phẩm này đến với công chúng sau hơn 4 thập kỷ kể từ khi được thu âm nháp (demo).
Mỹ, Đức viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine
Binh sĩ Ukraine vận chuyển tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ hỗ trợ tại sân bay Boryspil ở Kiev ngày 11-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 2-11, Đức thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới, trong đó bao gồm xe bọc thép, máy bay không người lái, xe tăng và các vật tư thiết yếu như quần áo mùa Đông.
Chính phủ Đức đã cập nhật danh mục viện trợ quân sự cho Ukraine. Gói viện trợ mới bao gồm xe bọc thép chở quân; 2 radar bổ sung cho hệ thống phòng không Iris-T; máy bay không người lái trinh sát, thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh, xe tải và bộ quần áo mùa Đông. Danh sách bổ sung viện trợ đang được chuyển giao gồm 25 xe tăng Leopard 1.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3-11 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm các loại đạn phòng không và pháo cũng như vũ khí chống tăng.
Những hạng mục nêu trên - cùng với đạn dược dành cho vũ khí hạng nhẹ, đạn phân mảnh và các mặt hàng khác - là một phần trong lô thiết bị trị giá 125 triệu USD được lấy từ kho dự trữ hiện có của quân đội Mỹ.
Gói viện trợ mới - còn bao gồm các loại đạn dẫn đường bằng laser để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) trị giá 300 triệu USD - sẽ được tài trợ thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Đến nay, Mỹ là nhà tài trợ an ninh lớn nhất của Ukraine, với cam kết dành hơn 44,2 tỷ USD cho quốc gia Đông Âu kể từ tháng 2-2022.
Ngày 4-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để thảo luận với Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky về việc mở rộng EU. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), bà von der Leyen đăng một bức ảnh chụp chung với ông Zelensky và thông báo: “Tôi đang ở đây để thảo luận khả năng Ukraine gia nhập EU”.
Kiev đã nộp đơn xin gia nhập EU chỉ vài ngày sau khi bùng phát xung đột với Nga ngày 24-2-2022 và đã được trao quy chế ứng cử viên một vài tháng sau đó. Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ 6 của bà Ursula von der Leyen kể từ khi xung đột bùng phát.
Theo Báo Tin tức