Trung Quốc xoay xở giữ chân nhà đầu tư

.

Trung Quốc đang tìm mọi cách để đảo ngược dòng vốn đầu tư “chảy” khỏi đất nước trong bối cảnh phương Tây chủ trương “giảm thiểu rủi ro” với nước này, đặc biệt căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn dai dẳng.

Người đi bộ đi ngang qua cửa hàng Apple ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 10-2023. Ảnh: CNN
Người đi bộ đi ngang qua cửa hàng Apple ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 10-2023. Ảnh: CNN

Trung Quốc đang chứng kiến dòng vốn nước ngoài rời khỏi nước này vượt dòng vốn “rót” vào. Sự thay đổi này được phản ánh trong dữ liệu quý 3-2023 do Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố gần đây.

Những mức giảm sâu

Nikkei Asia dẫn số liệu SAFE cho thấy, nợ tài chính phát sinh từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL), thước đo vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, ở mức âm 11,8 tỷ USD trong quý 3-2023. Đây là lần đầu tiên thước đo này chuyển sang âm trong 25 năm kể từ khi SAFE bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1998. Các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền khỏi Trung Quốc hoặc cắt giảm quy mô đầu tư nhiều hơn so với các khoản đầu tư mới vào hoạt động sản xuất-kinh doanh. Nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty nước ngoài chưa được chuyển về nước hoặc chưa phân phối cho các cổ đông, cũng như khoản đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tài chính.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tháng 9-2023 chỉ khoảng 10 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được công bố hằng tháng vào năm 2014. Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 9-2023, FDI của Trung Quốc giảm 8,4%.

SCMP dẫn lời ông Wang Tao, chuyên gia của Ngân hàng Đầu tư UBS ở Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết, sự sụt giảm FDI là do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” của phương Tây và chi phí vay bằng đồng USD cao. “Tất cả các công ty nước ngoài đều lo ngại về áp lực chính trị và thương mại từ chính phủ của họ cũng như các rủi ro khác. Họ đang hướng tới chiến lược Trung Quốc + 1 (China Plus One) để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất ở các quốc gia khác, thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc”, ông Wang Tao cho biết.

Trong khi đó, theo Nikkei Asia, căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ cũng là một trong những lý do khiến giới đầu tư lo ngại. Mỹ vẫn tìm cách hạn chế khả năng công nghệ của Trung Quốc dựa vào cái cớ lo ngại an ninh kinh tế. Bên cạnh đó, luật quan hệ đối ngoại mới, luật chống gián điệp của Trung Quốc với phạm vi mở rộng khiến các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây gặp khó trong việc tiếp cận các nghĩa vụ mà họ cần tuân thủ. Lý do khác là khi các công ty Trung Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh, một số công ty nước ngoài phải chọn cách rời đi. Mitsubishi Motors (Nhật Bản) vốn chậm chân về sản xuất xe điện, sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Nỗ lực “ghi điểm”

Dù nguồn FDI chỉ chiếm trung bình khoảng 2% GDP của Trung Quốc trong thập niên qua nhưng sự hiện diện này mang lại lợi ích to lớn về công nghệ và quản lý tiên tiến, nâng cao cạnh tranh quốc tế cho nước này. Trung Quốc đang tìm cách “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư trong bối cảnh thách thức kinh tế ngày càng gia tăng. Tháng 9-2023, Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát vốn ở Bắc Kinh và Thượng Hải, hai thành phố lớn nhất đất nước, để cho phép người nước ngoài tự do chuyển tiền vào và ra khỏi đất nước. Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng trấn an các công ty nước ngoài hàng đầu như JP Morgan, Tesla và HSBC, khi cam kết mở cửa ngành tài chính và “tối ưu hóa” môi trường hoạt động. Cuối tháng 10-2023, cơ quan lập pháp Trung Quốc phê duyệt 137 tỷ USD trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo New York Times, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp trực tiếp giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ tại San Francisco tuần tới nhân dịp dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Giới quan sát rất quan tâm sự kiện này khi cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn truyền đi thông điệp về tăng cường niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm đầy thử thách trong quan hệ Mỹ-Trung.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa không dừng lại cũng như không thoái lui mà có sự phân hóa và khác biệt, SCMP dẫn lời ông Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết, điều quan trọng là phải duy trì tăng trưởng kinh tế quốc gia ở mức “hợp lý” vì tiêu dùng mạnh mẽ cũng là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Điều tiếp theo cần làm là đẩy mạnh chính sách tài khóa và trợ cấp cho những người có thu nhập thấp hơn, thúc đẩy việc làm và ổn định thị trường bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp vẫn coi Trung Quốc là thị trường thiết yếu nhưng họ bắt đầu để mắt môi trường đầu tư tiềm năng ở các nước khác. Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ), xét về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn theo điểm đến, thị phần của Trung Quốc giảm từ 48% vào năm 2018 xuống còn 1% vào năm 2022. Ngược lại, thị phần của Mỹ tăng từ 0 lên 37%, trong khi Ấn Độ, Singapore và Malaysia cũng tăng lần lượt từ 10% lên 38%. Khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung cho thấy, 34% thành viên đã ngừng hoặc giảm đầu tư theo kế hoạch vào Trung Quốc năm ngoái, cao hơn so với những năm trước. Gần một nửa công ty thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc hầu như không đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2023 hoặc đầu tư ít hơn so với năm 2022.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.