Việc tòa án bang Colorado (Mỹ) loại ông Donald Trump khỏi bầu cử sơ bộ của tiểu bang này bất ngờ gây hiệu ứng domino bởi dư luận không khỏi hoang mang về khả năng các bang khác sẽ hành động tương tự. Và nếu điều này xảy ra, bầu cử tổng thống Mỹ 2024 phải chăng sẽ bị tác động bởi tòa án thay vì tiếng nói của chính cử tri?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 28-7. Ảnh: AFP |
Ngay sau phán quyết chưa từng có tiền lệ nói trên của tòa án tối cao ở Colorado đối với ông Trump do ông liên quan vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội Mỹ vào năm 2021 sau khi ông thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, các bang khác như California đang tính toán nối gót Colorado. Trong khi đó, đương kim Tổng thống Joe Biden cũng có thể gặp bất lợi tương tự sau lời “nhắn nhe” từ chính quyền bang Texas.
Đến lượt California, Texas…?
Cụ thể, phán quyết của tòa ở Color khẳng định ông Trump, ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa thời điểm này, không đủ tư cách giữ cương vị Tổng thống theo Điều 3 của Tu chính án thứ 14 theo Hiến pháp Mỹ do đã “tham gia tình nguyện, trực tiếp và quá mức vào hoạt động nổi loạn” vào năm 2021. Do đó, việc giới chức bang Colorado đưa ông Trump trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của bang này theo Luật bầu cử sẽ là hành vi trái luật. Theo quy định, ông Trump sẽ có quyền kháng cáo phán quyết của Tòa án Colorado lên Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ cho đến ngày 4-1-2024. Và cũng như cái cách mà đội ngũ tranh cử của ông Trump phản ứng trước các quyết định trước đây của tòa án, họ tiếp tục ca than phán quyết này “phi dân chủ và hoàn toàn sai lầm”.
Theo The Hill, California có thể là tiểu bang tiếp theo cấm ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ vì lo ngại về Tu chính án thứ 14. Ngày 20-12, Thống đốc Eleni Kounalakis đã yêu cầu bang xem xét “mọi lựa chọn pháp lý” để thực hiện bước đi này. “Dựa trên phán quyết của Tòa án tối cao bang Colorado, tôi mong xem xét mọi lựa chọn pháp lý để xóa tên cựu Tổng thống Trump khỏi cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 của California. Quyết định này nhằm tôn trọng nền pháp quyền ở đất nước chúng ta và bảo vệ các trụ cột cơ bản của nền dân chủ”, bà Kounalakis viết trong thư gửi Tổng Thư ký bang California là bà Shirley Weber. Lời thúc giục của Kounalakis đưa ra trước thời điểm bang này dự kiến chốt danh sách ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào ngày 28-12.
Trước những bất lợi liên tiếp bủa vây ông Trump, đảng Cộng hòa dường như cũng đang phát tín hiệu đáp trả, và giờ đây họ đang nhắm vào Tổng thống Biden của đảng Dân chủ. Theo Reuters, ngày 19-12, Phó Thống đốc bang Texas Dan Patrick thuộc đảng Cộng hòa nêu khả năng loại tên ông Biden khỏi phiếu bầu sơ bộ tại bang này khi viện dẫn những bất cập trong chính sách nhập cư của vị tổng thống đương nhiệm. “Những gì xảy ra ở Colorado khiến tôi nghĩ có nên loại Tổng thống Biden khỏi phiếu bầu tại Texas hay không, vì ông ấy đã để hơn 8 triệu người vượt qua biên giới từ khi nhậm chức, khiến chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều chưa từng thấy”, ông Dan Patrick nói.
Cơ hội tái đắc cử vẫn rộng mở
Có thể dễ dàng nhận thấy, những lời cảnh báo của chính quyền các bang California và Texas suy cho cùng cũng là màn đáp trả lẫn nhau giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối với các ứng viên sáng giả nhất của mỗi bên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Phán quyết của tòa án ở Colorado là “diễn biến gây chấn động” nhưng thực ra cũng không đáng ngạc nhiên bởi tất cả 7 thẩm phán của tòa án này đều do phe Dân chủ bổ nhiệm. Hơn nữa, Colorado hay Texas đều không phải là các bang “dao động”. Cụ thể Colorado là “bang xanh an toàn”, nghĩa là bang nghiêng mạnh về đảng Dân chủ, trong nhiều thập niên gần đây. Nếu ông Trump bị gạch tên khỏi bầu cử sơ bộ và sau đó là bầu cử tổng thống tại Colorado thì cơ hội tái tranh cử vẫn rộng mở đối với chính trị gia này. Tương tự, cảnh báo của chính quyền Texas đối với ông Biden thực ra cũng chỉ mang tính biểu tượng bởi lẽ đây là bang mà phe Cộng hòa vốn chiếm ưu thế. Do đó, dù ông Biden có tên trên phiếu bầu sơ bộ hay không, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa được dự báo sẽ giành phần thắng tại bang này.
Theo AP, hệ thống bầu cử tổng thống ở Mỹ khá phức tạp, trong đó việc lựa chọn tổng thống được quyết định không chỉ dựa vào tổng phiếu của cử tri phổ thông mà còn cả phiếu của đại cử tri đoàn (cần giành ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri).
Trong diễn biến liên quan, theo CNN, ngày 20-12, ông Trump kêu gọi Tòa án tối cao Mỹ đừng can dự ngay bây giờ vào câu hỏi liệu ông có được miễn truy tố liên bang vì những cáo buộc phạm tội khi còn đương chức hay không. Đây là nỗ lực “câu giờ” mới nhất của ông nhằm yêu cầu hệ thống pháp luật tuân theo ý chí chính trị của mình một cách hiệu quả. Động thái này cũng lặp lại chiến lược pháp lý của ông Trump trong tất cả các vụ án hình sự mà ông đối mặt cho đến nay đó là: kêu gọi trì hoãn các thủ tục tố tụng, và thời điểm lý tưởng là sau cuộc bầu cử năm 2024.
Điều 3 Tu chính án thứ 14 theo Hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn năm 1868, cấm bất kỳ cá nhân nào nắm giữ chức vụ công nếu họ tham gia vào “cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn” sau khi đã cam kết ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp. Giới quan sát lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Tu chính án thứ 14 được sử dụng để loại một ứng cử viên tổng thống khỏi cuộc tranh cử và bỏ phiếu. |
THƯ LÊ