Các vùng biển "dậy sóng", giao thương thêm khó

.

Việc máy bay không người lái (UAV) tấn công một tàu chở hóa chất ngoài khơi Ấn Độ cuối tuần qua cho thấy mối đe dọa hoạt động giao thương giờ đây đã lan ra ngoài Biển Đỏ, đặc biệt báo hiệu sự dịch chuyển đáng kể với khả năng tái định hình động lực thương mại toàn cầu.

Tàu chở hóa chất Chem Pluto bị tấn công trên vùng biển phía tây nam Ấn Độ vào ngày 23-12. Ảnh: Hindustan Times
Tàu chở hóa chất Chem Pluto bị tấn công trên vùng biển phía tây nam Ấn Độ vào ngày 23-12. Ảnh: Hindustan Times

Từ Biển Đỏ đến ngoài khơi Ấn Độ

Theo Reuters, ngày 23-12, Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công tàu chở hóa chất trên vùng biển phía tây nam Ấn Độ. “Tàu chở hóa chất Chem Pluto treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản và do doanh nghiệp Hà Lan vận hành, bị UAV tự sát phóng từ Iran tấn công trên Ấn Độ Dương, cách bờ biển Ấn Độ khoảng 370km”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc ngày 23-12 cho biết. Khi vụ tấn công xảy ra, không có chiến hạm nào của Mỹ hoạt động trong khu vực lân cận. Theo Lầu Năm Góc, “đây là vụ tấn công thứ 7 của Iran nhằm vào tàu hàng kể từ năm 2021”. Không có thương vong trong vụ tập kích nhưng kết cấu tàu Chem Pluto bị hư hại.

Sự việc càng khoét sâu hiềm khích lâu nay giữa Mỹ và Iran bởi đây không khải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này tham gia các vụ tấn công tàu thương mại. Trước đó, Mỹ cáo buộc Iran “tham gia sâu” vào việc lập kế hoạch, trợ giúp lực lượng Houthi nhắm mục tiêu tấn công vào các tàu di chuyển trên Biển Đỏ bằng UAV và tên lửa. Mỹ cáo buộc Houthi vốn do Iran hậu thuẫn đã thực hiện ít nhất 100 vụ tấn công vào 10 tàu hàng trong khu vực.

Trong tuyên bố đáp trả mới nhất vào ngày 23-12, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani  khẳng định, Houthi có “công cụ quyền lực riêng và hành động theo quyết định và khả năng của mình”; đồng thời phủ nhận việc Iran hỗ trợ vũ trang cho Houthi. Trước đó, Houthi tuyên bố các vụ tấn công do lực lượng này thực hiện nhằm vào các tàu có liên kết với Israel để ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza và cảnh báo tàu thuyền tránh đi qua tuyến đường biển này. Tuy nhiên, theo CBC News, lực lượng này tấn công vào các mục tiêu vốn có mối liên hệ mong manh hoặc không rõ ràng với cuộc xung đột Israel-Hamas, trong đó cả các tàu được gắn cờ Na Uy và Liberia. Giới quan sát nhận định: “Các cuộc tấn công vào tàu thương mại chắc chắn là bước leo thang đối với Houthi, có nguy cơ gây ra căng thẳng trong khu vực và hơn thế nữa.

Vận tải biển thêm chật vật

Nguy hiểm rình rập trên Biển Đỏ buộc các chủ tàu hàng phải thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, thay vì qua kênh đào Suez. Đây là điểm nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, tạo tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Khoảng 12% lưu lượng vận tải đường biển thế giới đi qua kênh đào này.  

Việc một số hãng bắt đầu chuyển hướng đi vòng quanh châu Phi làm tăng thời gian vận chuyển, qua đó khiến chi phí vận chuyển đường biển tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Theo CNBC, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Anh cao hơn 4 lần so với thời điểm trước đó. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường đi qua Biển Đỏ. Nikkei dẫn nhận định của giới chuyên gia cho biết, căng thẳng ở Biển Đỏ có thể làm giảm 20% năng lực vận chuyển toàn cầu, trở thành đòn giáng mới vào chuỗi cung ứng và có thể làm tăng áp lực lạm phát vốn vẫn neo ở mức cao.

Chuyên gia Chris Rogers tại tổ chức S&P Global cho biết, chi phí vận chuyển trên tuyến đường nối trục Á-Âu có thể sẽ tăng khoảng 15%, đồng thời chi phí bảo hiểm cũng tăng”. Đồng quan điểm, ông Jon Gold, Phó Chủ tịch Chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia của Mỹ, nói: “Những sự gián đoạn hoạt động giao thương trên biển đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, dẫn đến giá cước và hàng hóa cuối cùng sẽ tăng theo”.

Nhân tố Houthi
Theo CBC News, Viện nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, lực lượng Houthi là một phần của “Trục kháng chiến của Iran” vốn là liên minh gồm các thực thể được Iran hậu thuẫn, gồm cả Hezbollah, Hamas. Nhóm này đang “lợi dụng xung đột Israel-Hamas để chứng tỏ khả năng kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng ở Trung Đông”.

Theo RT, với sức mạnh đáng kể, lực lượng Houthi của Yemen trở thành một bên tham gia vào xung đột đang diễn ra ở Gaza. Đầu tiên là các đợt tấn công lảng vảng về phía Israel, rồi sau đó chuyển sang ngăn chặn các tàu do Israel sở hữu hoặc điều hành đi qua Biển Đỏ. Dư luận giờ đang dõi theo cách Mỹ và các đối tác ứng phó trước mối đe dọa từ Houthi.

Đến nay, hơn 20 nước tham gia Liên minh “Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng” do Mỹ dẫn đầu để hỗ trợ cho tàu hàng đi qua Biển Đỏ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động liên minh này vẫn chưa rõ ràng vì thiếu bóng dáng của các nước có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực như Saudi Arabi, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bahrain là quốc gia Arab duy nhất tham gia. RT nhận định, về việc thành lập một liên minh hải quân đa quốc gia để đối đầu với Houthi là một sự thừa nhận rằng lực lượng này là “một chủ thể lớn” trong khu vực.

THƯ LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.