Cộng hòa Czech bàng hoàng trước vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của nước Trung Âu này. Vụ tấn công khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 25 người bị thương tại Đại học Charles ở Prague vào ngày 21-12.
Vụ xả súng gây chấn động Prague bởi nơi đây vốn được xem là thành phố an toàn hơn so với nhiều thủ đô khác ở châu Âu. Các nhà chức trách đang điều tra động cơ xả súng trong khi giới quan sát dự đoán vụ việc sẽ khơi mào cuộc tranh luận gay gắt hơn ở phạm vi toàn quốc về quyền sở hữu và hạn chế sử dụng súng.
“Kho vũ khí” đáng lo ngại
Theo Reuters, vụ xả súng gây chấn động bởi đối tượng xả súng David Kozak (24 tuổi) là sinh viên tiêu biểu của Đại học Charles và chưa từng có tiền án tiền sự. Việc kiểm tra lý lịch do Trung tâm quốc gia về chống Khủng bố, Chủ nghĩa cực đoan và Tội phạm mạng thực hiện không phát hiện bất kỳ điều bất thường nào về người đàn ông này. Bộ trưởng Nội vụ Czech nhấn mạnh: “Đối tượng không có tiền án tiền sự. Thật đáng tiếc bởi không phải trường hợp nào cũng có thể dự đoán được”. Chính phủ Czech nhanh chóng tìm cách dập tắt lo ngại rằng vụ xả súng được thực hiện bởi lợi ích bên ngoài. Bộ trưởng Nội vụ Czech Vit Rakusan Rakusan cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy vụ tấn công này liên quan đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Ngày 23-12 là ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nội vụ Rakusan cho biết, đối tượng sở hữu cả “kho vũ khí gồm nhiều loại súng và một lượng đạn lớn”. Do đó, nếu cảnh sát không can thiệp kịp thời, số nạn nhân có thể sẽ tăng cao gấp nhiều lần. Việc đối tượng sở hữu “kho vũ khí” đáng ngại như vậy phần nào cũng được lý giải bởi thực tế rất rõ, đó là: Czech là trung tâm công nghiệp vũ khí của châu Âu và có luật sở hữu súng nhìn chung lỏng lẻo hơn so với các nước châu Âu khác.
“Quyền mua, giữ và mang súng” được công nhận trong luật về súng của nước này, trong khi việc sửa đổi Hiến pháp được thực hiện đối với điều lệ về các quyền cơ bản gần đây nhất vào năm 2021 đã bảo đảm về mặt pháp lý “quyền bảo vệ mạng sống của chính mình hoặc của người khác bằng vũ khí tự vệ”. Việc sửa đổi được thông qua sau khi bản kiến nghị có chữ ký của 102.000 công dân phản đối đề xuất của Ủy ban Châu Âu nhằm hạn chế sở hữu súng toàn EU. Đến năm 2020, có hơn 307.000 người sở hữu súng hợp pháp tại quốc gia có khoảng 10,6 triệu dân này, phần lớn trong số đó viện cớ lo ngại an toàn bản thân. Tính đến năm 2022, gần 1 triệu vũ khí thuộc sở hữu hợp pháp được đăng ký.
Quyền sở hữu súng đi đôi với “truyền thống đáng tự hào” về sản xuất vũ khí của Czech. Và có lẽ không phải là không liên quan khi các vụ xả súng hàng loạt ở nước Trung Âu tương đối yên bình này không hề ít xảy ra. Năm 2015, có 8 người bị bắn chết trong vụ xả súng ở đông Uhresky Brod. Dù Czech có nhiều quy định về quyền sở hữu súng tự do hơn so với nhiều nước láng giềng nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nước này có nên áp dụng một số luật nghiêm ngặt hơn vốn đang có hiệu lực trên toàn EU hay không?.
Tác động từ mạng xã hội?
Điều đáng nói là Czech chỉ là địa điểm mới nhất trong chuỗi các nước châu Âu hứng chịu vụ xả súng hàng loạt kiểu vốn đã phổ biến ở Mỹ trong thời gian qua. Tháng 6-2022, một đối tượng bắn chết 3 người và làm bị thương nhiều người khác ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), nơi có bạo lực súng đạn tương đối hiếm và có luật sử dụng súng nghiêm ngặt nhất châu Âu. Tháng 5 -2023, Serbia quay cuồng trước hai vụ xả súng hàng loạt diễn ra trong vòng chưa đầy 48 giờ khiến hàng chục người thương vong. Tỷ lệ sở hữu súng ở Serbia rất cao nhưng những vụ xả súng hàng loạt lại cực kỳ hiếm ở quốc gia Balkan này.
Bà Juliette Kayyem, nhà phân tích an ninh quốc gia cấp cao của CNN và cựu trợ lý thư ký của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, có nguy cơ xảy ra hành vi bắt chước thực hiện xả súng hàng loạt trong thời đại trực tuyến. Bà Kayem cho biết: “Đó là kiểu văn hóa của mạng xã hội, khiến những đối tượng này trở nên nổi tiếng. Phương tiện truyền thông xã hội vốn không có biên giới, vì vậy mọi người ở các quốc gia khác sẽ bắt đầu theo dõi hoặc bắt chước họ”. Với vụ xả súng ở Prague, cảnh sát đang xác minh động cơ của đối tượng nhưng rõ ràng mạng xã hội chắc chắn sẽ là điểm đáng lưu ý của cuộc điều tra đó. Nhận định này không hẳn là không có cơ sở khi một số nguồn tin tiết lộ, đối tượng đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến các vụ thảm sát trên Telegram, cũng như từng khoe khoang kế hoạch thực hiện một vụ xả súng trường học, và thậm chí nhắc tới một số người thực hiện các vụ xả súng ở Nga trước đây “như những nguồn cảm hứng”.
THƯ LÊ