Sự ủng hộ ngày càng giảm của các đảng viên Cộng hòa đối với Ukraine và vị thế "ngày càng bấp bênh" của Ukraine cho thấy sự cần thiết phải tìm kiếm một nguồn tài trợ mới thay thế và chính quyền của Tổng thống Biden đang hướng đến khoảng 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng ở phương Tây.
Quang cảnh bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: AFP-TTXVN |
Báo New York Times hôm 21-12 cho biết nguồn tài trợ của Washington dành cho Kiev sắp cạn kiệt vì gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine vẫn bị mắc kẹt tại Quốc hội Mỹ.
Trước đó vào hôm 18-12, Lầu Năm Góc đã tiết lộ rằng quỹ bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ cạn kiệt vào cuối tháng này trừ khi Quốc hội Mỹ thông qua nguồn tài trợ bổ sung.
Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden đang tăng cường nỗ lực tịch thu tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng ở phương Tây để đảm bảo tiếp tục tài trợ cho Ukraine
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với tờ New York Times rằng ngay cả khi Quốc hội Mỹ bỏ chặn viện trợ cho Ukraine, sự ủng hộ ngày càng giảm của các đảng viên Cộng hòa đối với Ukraine và vị thế "ngày càng bấp bênh" của Ukraine chứng tỏ sự cần thiết của một nguồn tài trợ thay thế.
Và những tuần gần đây, các quan chức giấu tên cho biết các cuộc thảo luận về việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine đã được tăng cường và diễn ra “sôi nổi”
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là muốn có một chiến lược sẵn sàng trước ngày 24-2-2024, thời điểm đánh dấu hai năm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhà Trắng đang làm việc với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để đánh giá liệu nhóm này có thể “dùng các quyền hiện có của mình hay nên yêu cầu Quốc hội hành động để sử dụng số tiền này”.
Trước đó, vào ngày 15-12, tờ Financial Times của Anh cũng đưa tin rằng G7 đang tăng cường nỗ lực tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng nhằm hỗ trợ các lợi ích của Ukraine.
Vài ngày sau, vào hôm 20-12, tờ Der Spiegel của Đức cho biết Tổng công tố liên bang Đức đã nộp giấy tờ để tịch thu 720 triệu euro (787 triệu USD) trong các quỹ của Nga hiện đang bị đóng băng ở Đức.
787 triệu USD này thuộc một công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Moskva vốn bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vào tháng 6-2022. Tài sản của công ty đó trong các ngân hàng Đức đã bị đóng băng.
Hồi tháng 10-2023, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất sử dụng hàng tỷ euro tiền thuế thu được từ tài sản của Nga ở phương Tây để tái thiết Ukraine.
Cũng trong tháng 10-2023, Bỉ tuyên bố sẽ thành lập một quỹ trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine. Quỹ này được tài trợ bằng nguồn thu thuế từ lãi đối với các tài sản của Nga bị phong tỏa.
Tuy nhiên, như nhận định trên tờ New York Times, việc tịch thu số tiền lớn như vậy “chưa có tiền lệ” và có thể sẽ dẫn đến “những hậu quả pháp lý và kinh tế khó lường”.
Tờ Financial Times ngày 20-12 trích dẫn một tài liệu của Ủy ban châu Âu cho biết khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phong tỏa ở các nước G7, EU và Australia vào năm ngoái.
Việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine đang thu hút được sự chú ý của các quốc gia G7, vì Mỹ và EU.
Nhưng Pháp, Đức và Italy vẫn “cực kỳ thận trọng” về ý tưởng này và một số quan chức EU “lo ngại có thể bị trả đũa” từ Moskva nếu tiền của Nga bị tịch thu.
Về phía Nga, vào tháng 11-2023, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết việc G7 tịch thu tài sản của Nga sẽ là “bất hợp pháp” và sẽ tạo cho Moskva “cơ sở đạo đức và pháp lý” để trả đũa tài sản của G7, vốn “nhiều hơn số tiền bị đóng băng của Nga”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng động thái như vậy “vi phạm tất cả các quy tắc hiện có”, đồng thời lưu ý rằng những người quyết định tịch thu tài sản dự trữ của Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý và tư pháp “nghiêm trọng”.
Theo Báo Tin tức