Nỗi khổ ăn xin thời công nghệ

.

Rất nhiều người vô gia cư và thất nghiệp ở Mỹ bây giờ không còn xin được nhiều tiền lẻ của người qua đường như trước nữa. Không phải vì mọi người keo kiệt hơn, mà chỉ vì phần lớn họ đã quen với thanh toán không tiền mặt, việc có vài đồng lẻ sẵn trong người như trước giờ đã không còn.

Khi ngày càng nhiều cửa hàng chấp nhận thanh toán phi tiền mặt, số người ra đường chỉ với chiếc điện thoại thông minh càng tăng. Theo đó, những người từng một thời sống nhờ vào các đồng bạc lẻ của người lạ giờ đây có những ngày “trắng tay”.

Muốn cho, không tiện để cho

Ông John Littlejohn (62 tuổi), người vô gia cư đã 13 năm qua và đang sống vạ vật ở thủ đô Washington D.C., (Mỹ), cho biết, vài năm gần đây, ông gặp nhiều người nói họ không mang theo tiền. “Tôi sẽ cứ ngồi đó chờ đợi trong sáu, bảy tiếng đồng hồ và chẳng nhận được hơn nổi 12-15 USD”, ông chia sẻ với AP.
Vì giờ đây ai cũng có thể dùng các app để thanh toán hầu như mọi thứ, nên việc họ rời nhà không cần ví cũng là điều rất bình thường. Trong số những bên bị ảnh hưởng từ thực tế này, ngoài những người vô gia cư, còn có các tổ chức từ thiện vốn lâu nay trông cậy vào nguồn đóng góp từ những đồng bạc lẻ. Nhưng rồi, như một lẽ tất yếu, họ cũng phải tìm cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ.

Ông Littlejohn bán các ấn bản của báo Street Sense do một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ người vô gia cư ở Mỹ phát hành. Người mua báo có thể trả tiền bằng app và số tiền này sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản người bán. Nhờ đó ông Littlejohn có tiền thuê nhà từ việc bán báo và làm các việc khác.
Không thể xin được tiền cũng là cảnh ngộ của nhiều người ăn xin hiện nay tại Mỹ. Ông Sylvester Harris là người ăn xin ở ga tàu điện ngầm gần trung tâm thể thao lớn của Washington D.C.

Ông nói đã thấy nhiều người tỏ ý muốn chia sẻ nhưng họ không có đồng xu hay tờ bạc lẻ nào sẵn trong người lúc đó. “Bây giờ mọi người chỉ có thẻ tín dụng và điện thoại thôi”, ông nói. Những người vô gia cư thường không có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cũng như không có giấy tờ tùy thân hợp lệ để có thể dùng một app thanh toán.

Tìm giải pháp bằng công nghệ

Một xã hội không tiền mặt cũng từng là vấn đề với tổ chức nhân đạo có tên Salvation Army. Nhóm này được biết đến với cách làm là thường đưa những người cần giúp đỡ tới đứng ở các khu vực đông người qua lại với chiếc bình nấu nước màu đỏ. Mọi người đi qua cái ấm đó và sẽ thả tờ 1 USD hay vài đồng xu để chia sẻ. Nhưng khi mọi người dùng điện thoại và thẻ tín dụng thanh toán nhiều hơn, tổ chức này cũng nhận được ít tiền hơn. Để giải quyết vấn đề, Salvation Army đã thiết kế ứng dụng để những người muốn chia sẻ chỉ cần chạm điện thoại của họ vào cái ấm màu đỏ và chuyển tiền.

Theo bà Michelle Wolf thuộc tổ chức Salvation Army (Washington), dù công nghệ này chỉ mới áp dụng được một số điểm xung quanh thành phố, song cũng đã giúp họ nhận được nhiều tiền hơn. Hầu hết mọi người cho 5 USD, và thường cũng có những người cho 20 USD.

Là nhân viên làm việc cho Street Sense, ông Thomas Ratliff phụ trách khoảng 100 người bán báo trên toàn khu vực Washington. Ông Thomas cho rằng, vấn đề lớn đã phát sinh vào năm 2020 khi nhiều người lao động phải làm việc tại nhà do ảnh hưởng của Covid-19. Trong khi đó, những người đến Washington làm việc là những khách mua báo chính của họ. Ngay cả hiện nay, nhiều người trong số đó vẫn còn chưa quay lại thủ đô. Vì thế, những người bán báo thậm chí phải bắt tàu điện ngầm tới các khu vực ngoại ô sầm uất hơn bên ngoài Washington DC, như ở Maryland và Virginia để bán báo. Một số ứng dụng thanh toán tuy không đòi hỏi người dùng phải có tài khoản ngân hàng, như Venmo và Cash App, nhưng vẫn yêu cầu có một số điện thoại ổn định. Dù vậy, những người bán báo lại thường thay đổi số điện thoại nên họ cũng gặp khó khăn trong việc nhận tiền bằng app.

Để giúp người vô gia cư thất nghiệp có thể xin được chút tiền lo cho những nhu cầu cơ bản nhất, ông Jon Kumar phát triển app Samaritan, cho phép mọi người chỉ cần quét mã QR đặc biệt bằng điện thoại thì có thể đọc câu chuyện về người đang cần giúp đỡ và tùy chọn chia sẻ số tiền để giúp họ mua lương thực, áo quần. Dù vậy, không phải các app hay công nghệ mới sẽ giúp giải quyết hết vấn đề của người vô gia cư. Chẳng hạn, nhiều người không thể đi bán báo, hay có những người quá già không đủ sức khỏe làm việc nên phải sống nhờ vào tiền đi xin. Và cũng không phải ai cũng có một chiếc điện thoại di động. Thực ra, họ cần nhiều sự giúp đỡ hơn là những gì app điện thoại có thể chia sẻ với họ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.