Ông Biden "đổi giọng" về viện trợ Ukraine?

.

Dù trong diễn ngôn công khai ở buổi đón tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sẽ “hỗ trợ Ukraine tới chừng nào chúng tôi còn có thể”, song sự thay đổi tinh tế trong câu chữ của ông có thể sẽ khiến ông Zelensky phải cân nhắc hơn về khả năng nhận được viện trợ thêm và lâu dài hơn của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12-12. Ảnh: EPA-EFE
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12-12. Ảnh: EPA-EFE

Gói viện trợ mới cho Ukraine đang bị ách lại vì phản ứng của các nghị sĩ Cộng hòa, những người muốn đạt được mục tiêu ngăn chặn di dân bất hợp pháp ở biên giới phía nam thì mới chấp nhận duyệt chi khoản hỗ trợ kếch xù cho quốc gia Đông Âu này. 

Sự tinh tế của uyển ngữ

Ngày 12-12, tại Nhà Trắng, ông Joe Biden đón tiếp ông Zelensky lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua. Hai nhà lãnh đạo đều đang khẩn trương thuyết phục các chính trị gia Mỹ “gật đầu” cho dự luật hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng họ đã cảm nhận được “hơi hướng” thay đổi trong cách nói của tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Ukraine ở cuộc gặp này. “Chúng tôi đang tiến nhanh tới việc chấm dứt khả năng có thể phản ứng trước các nhu cầu của Ukraine”, Sky News dẫn lời ông Biden. Đó đã từng là một ý mỉa mai được nêu ra trong nhóm các chính trị gia đảng Cộng hòa vốn đang cố “ràng” sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Ukraine vào yêu sách đòi ông Biden phải giải quyết tình trạng nhập cư trái phép ở biên giới phía nam. Các nghị sĩ Cộng hòa từ chối phê chuẩn gói hỗ trợ mới 60 tỷ USD cho Ukraine nếu phe Dân chủ không chấp nhận những cải cách lớn về luật nhập cư.

Tổng thống Zelensky dành nguyên buổi sáng ngày 12-12 để thương thuyết với các đại diện của lưỡng đảng Mỹ, và ông cũng thể hiện sự lạc quan thận trọng về khả năng viện trợ cho Kiev sẽ mau chóng được đả thông tại Quốc hội Mỹ. “Tôi đã nhận được những tín hiệu khá chắc chắn. Nhưng chúng tôi cần phải phân biệt giữa lời nói và các kết quả trên thực tế”, AFP dẫn lời ông Zelensky. Ông bác bỏ đề nghị nhượng bộ các phần lãnh thổ Ukraine đã sát nhập Nga kể từ sau khi xung đột bùng nổ để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Ông cũng trình bày các kế hoạch có thể sử dụng viện trợ của phương Tây để tăng cường ưu thế chiến đấu của Ukraine trong năm 2024.

Câu hỏi cho châu Âu

Viện trợ cho Ukraine và tình hình biên giới phía nam nước Mỹ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng lại đang có “liên quan đến nhau” và cùng đều bị ách lại do sự tê liệt vì chia rẽ của chính trị nội bộ Mỹ. Tình hình biên giới cũng là mối quan tâm chính yếu của các cử tri Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024.

Sự gắn kết của hai vấn đề này đã được chính Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đề cập rõ ràng trong ngày 12-12. “Những gì mà chính quyền ông Biden dường như đang đòi hỏi là hàng tỷ USD thêm nữa mà không có sự giám sát phù hợp, không có chiến lược rõ ràng, và không có những câu trả lời đang nợ người dân Mỹ. Điều kiện tiên quyết của chúng tôi với bất cứ gói chi tiêu bổ sung nào cho an ninh quốc gia cũng sẽ phải dành cho an ninh quốc gia của chúng ta trước”, ông Mike Johnson nói. Về điều này, ông Biden phản biện: “Việc giữ khoản ngân sách viện trợ cho Ukraine làm con tin nhằm để thông qua chương trình nghị sự cực đoan của riêng đảng Cộng hòa về vấn đề biên giới không phải là cách để đạt hiệu quả”.

Dù vậy, trong những phát biểu tiếp theo, Tổng thống Mỹ cũng đã hé lộ ít nhiều sự nhượng bộ trong vấn đề biên giới khi nói: “Nhóm trợ lý của tôi đang làm việc với các thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để cố tìm kiếm sự đồng thuận giữa hai bên, cả về những thay đổi trong chính sách, cũng như cung cấp nguồn tài nguyên để giữ yên biên giới…”. Một cách nói “uyển ngữ” thứ hai trong phát biểu của ông Biden đã được truyền thông quốc tế nhận ra và cho rằng nó phát đi tín hiệu về một sự thay đổi nhỏ có thể sẽ khiến nhà lãnh đạo Ukraine phải giật mình đôi chút. Ông Biden nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine “chừng nào còn có thể”. Ông hiểu rằng nếu đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối gói viện trợ cho Ukraine, ông sẽ không thể làm việc đó.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng sẽ được đặt ra ở đây là châu Âu sẽ phản ứng như thế nào nếu Mỹ không thể duy trì ủng hộ với Ukraine. Lâu nay, tinh thần sát cánh của châu Âu với Ukraine được củng cố bởi sự lãnh đạo của Mỹ trong chiến lược chống lại Nga. Tuy nhiên, nếu Mỹ xuống nước trước áp lực của chính trị nội bộ, thì hẳn châu Âu sẽ không đi ra khỏi lựa chọn tương tự đó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.