"Tiền trực thăng", nhìn từ Thái Lan

.

“Tiền trực thăng” (helicopter money) vốn vẫn là câu chuyện tranh cãi trong giới kinh tế học và giờ trở nên “nóng” ở Thái Lan với chính sách phát tiền cho người dân để tạo “cơn sóng thần” về tiêu dùng.

Chính phủ Thái Lan sẽ “bơm” 15 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình hỗ trợ tiền mặt. Ảnh: International Finance
Chính phủ Thái Lan sẽ “bơm” 15 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình hỗ trợ tiền mặt. Ảnh: International Finance

Chính sách Ví kỹ thuật số với tổng trị giá 15 tỷ USD của chính quyền Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang vấp phải sự chỉ trích từ công chúng, doanh nghiệp và thậm chí cả giới thượng lưu. Ví kỹ thuật số dự kiến được triển khai vào tháng 5-2024.

Theo kế hoạch, tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận 10.000 baht (270 đô la)/người thông qua ví kỹ thuật số, có thể được sử dụng để mua sắm. Mục tiêu chính là tăng khả năng chi tiêu của người có thu nhập thấp; đồng thời kích thích kinh tế địa phương và ngăn chặn sự tập trung chi tiêu quá mức ở khu vực thành thị. Chính phủ Thái Lan tin chính sách này sẽ tạo một “cơn sóng thần kinh tế” về tiêu dùng, mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực.

Bộc lộ một số bất cập

Theo Channel News Asia, khoản tiền 10.000 baht trong ví kỹ thuật số chỉ có thể được sử dụng để mua thực phẩm, thuốc men và dụng cụ lao động, không thể quy đổi thành tiền mặt, mua hàng trực tuyến, sử dụng dịch vụ hoặc chuyển nhượng lại cho người khác. Số tiền này có thể được sử dụng trong 6 tháng tại tất cả cửa hàng và doanh nghiệp địa phương trong phạm vi 4km tính từ địa chỉ đăng ký của người dân. Đối với những người có thu nhập thấp, chương trình này ban đầu có vẻ là ý tưởng hay, nhưng khi xem xét cách chi tiêu số tiền này, những người sống và làm việc xa nhà sẽ khó có thể tận hưởng được những tiện ích này.

Ngoài ra, những chủ cửa hàng thực phẩm và hàng hóa nhỏ lo rằng, họ sẽ phải chờ đợi trước khi có thể chuyển khoản thanh toán kỹ thuật số từ khách hàng của mình thành tiền mặt. Chính sách này khó có thể tạo thêm thu nhập cho cửa hàng vì hầu hết người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiền mặt tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và siêu thị lớn.

“Tôi có thể bảo đảm rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho các siêu thị lớn chứ không phải những cửa hàng khiêm tốn như của tôi. Điều này chắc chắn sẽ mang lại động lực cho người giàu, còn đối với người nghèo, họ sẽ tiếp tục nghèo”, bà Orapin Thanomsap, chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Bangkok, cho biết.

Dù chính phủ có kế hoạch điều chỉnh điều kiện cho các vùng sâu, vùng xa để bảo đảm tiền kỹ thuật số có thể thâm nhập và mang lại lợi ích cho mọi miền đất nước, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ kế hoạch trị giá 15 tỷ USD cuối cùng sẽ phục vụ người giàu và các doanh nghiệp lớn, vốn có đủ năng lực cung cấp hàng hóa và công nghệ phục vụ các giao dịch. “Làm sao các cửa hàng nhỏ có thể cung cấp nhiều thứ như vậy. Được nhận tiền thì tốt nhưng nếu hỏi ai sẽ được hưởng lợi thì đó là người giàu”, ông Pradit, nhân viên bảo vệ, người hưởng chính sách này, cho biết.

Chính phủ chi, dân trả?

Nhóm gồm gần 100 học giả, nhà kinh tế và cả các cựu thống đốc Ngân hàng Thái Lan gần đây gửi tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ hủy bỏ chương trình trên vì cho rằng khoản chi tiêu lớn như vậy để thúc đẩy tiêu dùng ngắn hạn sẽ làm tăng nợ công và gây tổn hại đến sự ổn định tài chính của Thái Lan về lâu dài. Theo các học giả này, cuối cùng, kết quả của  “bơm tiền” là chính người dân sẽ phải trả số tiền đó, có thể là thông qua trả thuế cao hơn hoặc giá cả hàng hóa cao hơn do lạm phát gây ra.

Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cho rằng, chính sách chỉ nên nhắm vào một số nhóm người nhất định, vì không phải ai cũng cần hỗ trợ tài chính. Kinh tế Thái Lan đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng tiềm năng phù hợp với kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. Việc bỏ ra số tiền lớn để kích thích kinh tế là không hiệu quả và chính phủ sẽ cần vay số tiền khổng lồ để tài trợ cho dự án, từ đó tạo khoản nợ khổng lồ đè nặng nền kinh tế.

“Tiền trực thăng” là giải pháp kích thích kinh tế bằng cách phân phối trực tiếp tiền mặt đến tay người tiêu dùng, thôi thúc họ đi mua sắm, theo đó lực cầu tăng kéo theo giá tăng và giúp các nền kinh tế đang trì trệ thoát khỏi giảm phát. Nhà kinh tế học giành giải Nobel Milton Friedman là người đầu tiên đưa ra ý tưởng “tiền trực thăng”, vào năm 1969, với việc vẽ ra hình ảnh chiếc trực thăng bay trên đầu một đám đông và thả xuống những tờ tiền giấy.

Tương lai chính trị của Pheu Thai
Ví kỹ thuật số là một trong những cam kết chính trong cuộc vận động bầu cử hồi đầu năm của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai). Pheu Thai không thể thất bại với chính sách này nếu họ muốn giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Những chỉ trích về chính sách đang làm tổn hại hình ảnh chính trị của Pheu Thai, vốn được xem là “ngọn hải đăng” của nền dân chủ ở Thái Lan, dẫn đến điều mà các nhà phân tích mô tả là “khủng hoảng niềm tin”.
Bất chấp nhiều tháng vận động, Thủ tướng Srettha và đảng Pheu Thai của ông vẫn chưa xác định được họ sẽ tài trợ cho chương trình này từ nguồn tiền nào.

Theo Thư ký của Thủ tướng, ông Prommin Lertsuridej, có 3 nguồn tiền khả thi, gồm ngân sách năm tài chính 2024, vay từ các cơ quan nhà nước và các khoản vay khác. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng, ngân sách quốc gia hiện không khả thi, trong khi kế hoạch ngân sách cho năm 2024 sẽ được đệ trình để hoàng gia phê duyệt vào tháng 4-2024. Còn nếu chính phủ sẽ phải vay tiền để thực hiện chính sách, điều này sẽ vấp phải chỉ trích gay gắt của công chúng.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.