Boeing lại gặp vận đen

.

Một vài nước yêu cầu các hãng hàng không dừng khai thác loại máy bay Boeing 737 MAX 9 sau khi một chiếc ở Mỹ gặp sự cố nghiêm trọng chỉ sau vài tuần đưa vào sử dụng. Vụ việc tiếp tục làm dấy lên lo ngại về an toàn kỹ thuật của dòng 737 MAX vốn trải qua quá khứ đầy bất ổn.

Cửa thoát hiểm bị “thổi bay” trên chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines vào ngày 5-1. Ảnh: CNN
Cửa thoát hiểm bị “thổi bay” trên chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines vào ngày 5-1. Ảnh: CNN

Chiều tối 5-1 (giờ địa phương), chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bay từ thành phố Portland (bang Oregon, Mỹ) đến thành phố Ontario (bang California) phải hạ cánh khẩn cấp chỉ sau 20 phút cất cánh vì cửa thoát hiểm ở giữa thân phi cơ bị bung ra ở độ cao gần 5.000m. Rất may, toàn bộ 170 hành khách và 6 người trong phi hành đoàn đều an toàn. Theo dịch vụ theo dõi chuyến bay theo thời gian thực Flightradar24, một cửa thoát hiểm giữa khoang máy bay đã bị bung ra khi chiếc 737 MAX đang ở trên không.

Nhiều nước lo ngại

Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đang tiến hành điều tra kỹ lưỡng vụ việc trong khi nhà sản xuất máy bay Boeing cũng đang thu thập thêm thông tin. Alaska Airlines, hãng hàng không đang ở tâm điểm của tình trạng hỗn loạn, đã tạm thời ngừng sử dụng 65 máy bay Boeing 737 MAX 9 do hãng này sở hữu. United Airlines Holding Inc., nhà khai thác lớn nhất của dòng 737 MAX, cũng cho biết, tất cả 79 máy bay thuộc dòng này đều tạm thời ngừng hoạt động.

Không chỉ riêng ở Mỹ, các hãng hàng không của các nước khác cũng lần lượt dừng khai thác dòng máy bay này. Theo Indian Express, sáng 7-1, hãng Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) thông báo dừng khai thác 5 máy bay Boeing 737 MAX 9. Tương tự, hãng Copa Airlines (Panama) đình chỉ 21 máy bay Boeing 737 MAX 9. Tất cả 19 máy bay 737-9 MAX của hãng Aeromexico (Mexico) cũng trong tình trạng “nằm chờ”. Nhiều hãng hàng không và cơ quan quản lý hàng không ở các quốc gia khác nhau dự kiến có hành động tương tự trong thời gian tới.

Trong khi đó, dù không có hãng hàng không nào của Ấn Độ sử dụng loại máy bay thuộc MAX 9 nhưng Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã yêu cầu các hãng hàng không của nước này như Akasa Air, Air India Express và SpiceJet tiến hành kiểm tra các lối thoát hiểm trên tất cả máy bay Boeing 737 MAX-8 hiện nay bởi hai loại MAX-8 và MAX-9 đều thuộc dòng Boeing 737 nên có nhiều điểm tương đồng. Vương quốc Anh sẽ yêu cầu các hãng bay khai thác Boeing 737 MAX 9 tuân thủ chỉ thị của FAA khi tiến vào không phận nước này.

Quá khứ đầy biến động

Giờ đây mọi ánh mắt đổ dồn về cách xử trí của FAA bởi cơ quan này lâu nay “chống lưng” cho Boeing vượt qua mọi khủng hoảng. Thực tế, FAA là cơ quan quản lý hàng không nổi tiếng thế giới nên nhiều cơ quan quản lý và hãng hàng không ở các quốc gia khác thường tuân theo các hành động, chỉ thị của FAA về kỹ thuật an toàn áp dụng đối với các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay.

Hiện, cuộc điều tra sự cố bung cửa đang được tiến hành nên còn quá sớm để dự đoán mức độ tác động đối với Boeing. Nếu các cuộc điều tra cho thấy vấn đề chỉ giới hạn ở chiếc máy bay liên quan đến vụ việc thì hoạt động của 737 MAX-9 có thể bình thường hóa khá nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng phát hiện vấn đề lớn hơn trong quy trình sản xuất, thì quá trình khắc phục kỹ thuật có thể kéo dài, qua đó tác động nghiêm trọng đối với một số hãng hàng không sử dụng loại máy bay này.

Boeing 737 MAX là dòng máy bay thương mại thân hẹp được đưa vào khai thác từ năm 2017 và thường được sử dụng trên các chuyến bay nội địa Mỹ. Đây là dòng máy bay phổ biến nhất (chiếm 1/5 tổng số đơn đặt hàng kể từ năm 1955) và là nguồn doanh thu lớn nhất của Boeing. Boeing 737 MAX trải qua giai đoạn khủng hoảnh khi hai chiếc máy bay của dòng này bị rơi trong vòng 6 tháng từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019, dẫn đến cái chết thương tâm của tổng cộng 346 người.

Tháng 3-2019, 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới. Việc ngừng hoạt động của 737 MAX là một trong những “thảm kịch kinh doanh” tốn kém nhất trong lịch sử, khiến Boeing thiệt hại hơn 20 tỷ USD. Sau khoảng 20 tháng bị cấm bay, các máy bay này bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 12-2020. Tuy nhiên, tháng 12-2023, Boeing yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra tất cả máy bay thuộc dòng này do phát hiện sai sót trong thiết kế, dẫn đến một con ốc bị lỏng trong hệ thống bánh lái. Với quá khứ đầy rắc rối về các vấn đề liên quan đến an toàn, sự cố ngày 5-1 vừa qua giáng thêm đòn nữa vào danh tiếng của Boeing mà hãng này đang cố gắng gầy dựng lại niềm tin của công chúng trong vài năm qua.

Máy bay “Made in China” tìm đường xuất ngoại
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) gần đây tuyên bố họ sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác với Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) để tìm đường cho C919, máy bay dân dụng nội địa đầu tiên của Trung Quốc, ra nước ngoài. Theo SCMP, động thái này nhằm giúp C919 có được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế về mặt chất lượng và mục tiêu xa hơn là cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” như 737 của Boeing và A320 của Airbus. C919 đã đi vào vận hành thương mại tại Trung Quốc từ tháng 5-2023 nhưng mới chỉ được cơ quan quản lý của nước này cấp chứng nhận.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.