Ngày 19-1, hàng chục nhà khoa học đoạt giải Nobel kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các quy định vốn rất nghiêm ngặt về chỉnh sửa gene, qua đó thúc đẩy sự ra đời của những cây trồng mới có cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Lời kêu gọi trên nằm trong bức thư ngỏ gửi đến Nghị viện châu Âu (MEP) trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng về chỉnh sửa gene. Trong bức thư được chia sẻ với tờ Guardian và các tờ báo châu Âu uy tín khác, 34 nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng ký bức thư này để thúc giục các nhà lập pháp EU vượt qua “bóng tối nỗi sợ hãi vốn phản khoa học” để tạo điều kiện cho việc áp dụng các kỹ thuật mới nhắm vào các gene cụ thể và chỉnh sửa mã của chúng.
Giới học giả này khẳng định, công nghệ này có thể làm cho cây trồng có khả năng kháng bệnh tốt hơn và có nhiều khả năng sống sót hơn trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng dữ dội hơn khi hành tinh đang ấm dần lên ở mức đáng lo ngại. Trong khi đó, các phương pháp nhân giống cây trồng cũ qua nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập niên, đã mất quá nhiều thời gian. “Chúng ta không có nhiều thời gian để làm như vậy trong thời đại khẩn cấp về khí hậu”, bức thư nêu rõ.
Bức thư gửi tới MEP được thúc đẩy bởi WePlanet, tổ chức phi lợi nhuận về môi trường nhằm vận động cho các công nghệ như năng lượng hạt nhân, chỉnh sửa gene và nông nghiệp tế bào, cũng tái thả động vật hoang dã về môi trường sống ở hầu hết châu Âu. Hơn 1.000 người ký bức thư nói trên, gồm các nhà sinh vật học và di truyền học hàng đầu, trong đó có các chủ nhân giải Nobel danh giá với khám phá “chiếc kéo di truyền” CRISPR/Cas9 vốn vẫn ở trung tâm của cuộc tranh luận, cho đến các nhân vật nổi tiếng như nhà tâm lý học Steven Pinker và triết gia Peter Singer.
Một quan điểm khoa học đã được thống nhất rằng công nghệ chỉnh sửa gene trong phòng thí nghiệm không hề nguy hiểm hơn thay đổi thông qua phương pháp nhân giống truyền thống. Bên cạnh đó, cây trồng biến đổi gen còn mang lại lợi ích cho sức khỏe và môi trường, đơn cử như hạn chế đáng kể lượng thuốc trừ sâu và tiêu tốn ít phân bón hơn. Thực tế, một số loại cây khó nhân giống bằng các phương pháp thông thường, chẳng hạn như cây ăn quả, cây nho và khoai tây, hiện vẫn “ngốn” một số loại thuốc trừ sâu có hại nhất ở EU.
Những người ủng hộ công nghệ, đặc biệt là những công nghệ có mục tiêu cao, còn lập luận rằng, những rủi ro đó thực ra không đáng kể so với những nguy cơ đã biết về mất đa dạng sinh học, khủng hoảng khí hậu và nạn đói. Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu không tìm thấy mối nguy hiểm mới nào từ việc chỉnh sửa gene mục tiêu ở thực vật so với nhân giống thông thường. Ở chiều ngược lại, phần lớn các nhóm môi trường đã phản đối quyết liệt những nỗ lực thay đổi mã di truyền của thực vật và các sinh vật khác khi họ bày tỏ lo ngại về sự an toàn của chúng và nguy cơ thay đổi với những hậu quả không lường trước được.
Trước đó, năm 2018, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết mang tính bước ngoặt rằng bất kỳ loại cây nào được tạo ra bằng cách thay đổi gene, đều là những sinh vật biến đổi gene theo các quy định về thực phẩm biến đổi gene (GMO) của EU. ECJ cho biết, những rủi ro của công nghệ biến đổi gene đối với môi trường và sức khỏe con người không thể được xác định một cách chắc chắn. Ủy ban châu Âu đã chấp nhận rằng thực vật được tạo ra bằng phương pháp chỉnh sửa gene mới là GMO nhưng họ muốn miễn chúng khỏi các quy tắc nghiêm ngặt hiện nay mà những người ủng hộ công nghệ này cho rằng đã lỗi thời và hạn chế. Các nhà lập pháp trong ủy ban môi trường của MEP sẽ bỏ phiếu về chỉnh sửa gene vào ngày 24-1.
Trước đó, Vương quốc Anh từng gây bất ngờ khi thử nghiệm thành công lúa mì biến đổi gene giúp “cắt giảm ung thư”. Mục đích của các thử nghiệm mới là sản xuất lúa mì có ít axit amin asparagin tự nhiên, chất dễ dàng bị chuyển thành acrylamide gây ung thư khi bánh mì được nướng. Chính phủ Anh đã cấp phép cho một loạt các thử nghiệm thực địa đối với lúa mì chỉnh sửa gene lần đầu tiên ở châu Âu, đánh dấu một thay đổi đáng kể so với lập trường của EU về vấn đề này.
THƯ LÊ